Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Trưởng đoàn tư vấn bên Tây ký hàng loạt văn bản bên ta?

(Dân trí) - Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 cho rằng trong thời gian Trưởng đoàn tư vấn giám sát đang ở "trời Tây", liên danh tư vấn giám sát hợp đồng đã gửi hàng loạt văn bản có chữ ký của vị này đến cơ quan chức năng và chính quyền TPHCM. Trong đó, có nhiều văn bản “góp phần” khiến dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đình trệ.

>>Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đình trệ: Chính quyền TPHCM nhận lỗi

>>Phó Thủ tướng: TPHCM chịu trách nhiệm toàn diện về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Đến nay, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 - đơn vị thực hiện dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng vẫn chưa thể tái khởi động dự án sau hơn 5 tháng ngừng thi công.

Bên cạnh vấn đề tái cấp vốn gặp khó khăn thì thông tin nhân viên đoàn tư vấn giám sát hợp đồng bị đối tượng xã hội đe dọa vẫn chưa được làm rõ. Khó khăn chất chồng không được giải quyết, dự án ngừng thi công và thiệt hại mỗi tháng ước tính từ 17-20 tỷ đồng, ảnh hưởng đến đời sống của 6,5 triệu người dân hưởng lợi từ dự án.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM vẫn chưa thể tái khởi động sau hơn 5 tháng đắp chiếu
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM vẫn chưa thể tái khởi động sau hơn 5 tháng "đắp chiếu"

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là thông tin liên danh tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) đưa ra để từ chối cuộc họp giải quyết vướng mắc giữa các bên liên quan.

Văn bản số HTFC-SCFC/LO-18-067 ký ngày 24/9/2018 nêu rõ: “Trong thời gian qua, một số nhân viên của đoàn TVGSHĐ dự án đã nhận được nhiều lời đe dọa từ các đối tượng xã hội với lý do đang làm việc cho liên danh TVGSHĐ khiến cho các nhân viên làm việc trong trạng thái bất an và đã có những trường hợp xin nghỉ việc vì không chịu được sức ép đe dọa. Sự việc này đã được đoàn Tư vấn GSHĐ báo cáo cho cơ quan thẩm quyền và đang trong giai đoạn điều tra làm rõ”. Văn bản này do ông Fernando Requena – Giám đốc điều hành/Trưởng đoàn tư vấn giám sát ký tên.

Theo Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, điều đáng nói là ông Fernando Requena đã rời Việt Nam từ ngày 14/7/2018. Từ thời điểm này về sau, ông Fernando Requena còn ký 18 văn bản quan trọng khác gửi cơ quan chức năng và chính quyền TPHCM, có những văn bản “góp phần” làm đình trệ dự án chống ngập.

Có thể kể đến văn bản HTFC-SCFC/LO-18-057 ngày 4/9/2018 gửi UBND TPHCM và Trung tâm chống ngập TP về việc thay đổi vật liệu thép chế tạo cửa van cống kiểm soát triều Bến Nghé; văn bản HTFC-SCFC/LO-18-052 ngày 16/8/2018 về Báo cáo đánh giá khối lượng hoàn thành các gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công và gói thầu XD05 - Cống kiểm soát triều Mương Chuối…

Do đó, đơn vị thực hiện dự án đã có đơn gửi lãnh đạo TPHCM đề nghị chỉ đạo Công an TP vào cuộc làm rõ vấn đề có hay không việc đe dọa nhân viên tư vấn giám sát. Đồng thời, làm rõ trong thời gian ông Fernando Requena ở nước ngoài, ai đã chỉ đạo phát hành các văn bản có chữ ký của Trưởng đoàn tư vấn giám sát. Các báo cáo này có hiệu lực và phù hợp với quy định pháp luật hay không?

Liên quan đến các văn bản của liên danh TVGSHĐ, Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý.

Theo luật sư Hậu, trong trường hợp giả định rằng các văn bản do TVGSHĐ ban hành với chữ ký của ông Fernando Requena không phải do ông ký trong khoảng thời gian từ 14/7/2018 trở đi thì các văn bản (hoặc chữ ký) đó có thể có khả năng là một hành vi lừa dối và có thể dẫn đến vô hiệu giao dịch liên quan.

Ngoài ra, giả mạo chữ ký, tài liệu là một cấu thành tội phạm hoặc tình tiết tăng nặng của nhiều tội phạm hình sự, bao gồm không chỉ giới hạn ở “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trong trường hợp giả định rằng các văn bản do TVGSHĐ ban hành với chữ ký của ông Fernando Requena không phải do ông ký thì các văn bản (hoặc chữ ký) đó có thể có khả năng là một hành vi lừa dối
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trong trường hợp giả định rằng các văn bản do TVGSHĐ ban hành với chữ ký của ông Fernando Requena không phải do ông ký thì các văn bản (hoặc chữ ký) đó có thể có khả năng là một hành vi lừa dối

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cũng lưu ý, về xây dựng, trong quá trình giám sát hợp đồng thì đơn vị tư vấn giám sát như liên danh TVGSHĐ phải tham gia giám sát, xác nhận để đảm bảo hợp đồng được thực hiện theo đúng thỏa thuận của các bên và việc giám sát đảm bảo trung thực, khách quan.

“Việc xác nhận đó thông thường thể hiện qua chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền, nên nếu chữ của người đại diện theo ủy quyền của đơn vị TVGSHĐ không phải là chữ ký thật sự thì tùy theo tình huống, tài liệu cụ thể, việc này có thể cấu thành vi phạm nghiêm trọng trong pháp luật xây dựng và dẫn đến các hậu quả về dân sự, hành chính, hình sự tùy theo từng trường hợp”, luật sư Hậu nói.

Tại buổi họp báo của UBND TPHCM diễn ra đầu tháng 10, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết: “Dự án chậm trễ ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị công trình, làm phát sinh lãi suất. Đây là lỗi lớn của thành phố với người dân, với Chính phủ. Đề nghị tư vấn nói gì, làm gì cũng phải hướng tới sự thành công của dự án. Kỳ này thành phố sẽ làm rõ, không thể để việc này ảnh hưởng đến uy tín, công tác quản lý của thành phố”.

Theo thông tin tìm hiểu được, ông Fernando Requena được trả thù lao hàng tháng tới 363 triệu đồng. Ngoài ra, theo gói thầu hợp đồng tư vấn hợp đồng, mỗi tháng, công tác phí dành cho chuyên gia nước ngoài này là hơn 61 triệu đồng, chi phí thông tin liên lạc hơn 2 triệu đồng. Chi phí vé máy bay trọn gói là hơn 400 triệu đồng.

Quốc Anh