Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Lo "quy hoạch treo" khi kết thúc thí điểm
(Dân trí) - Các tỉnh Bắc Trung bộ có 104 đội viên thuộc Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Đến hết tháng 6 này, thời gian thực hiện dự án cũng kết thúc nhưng chỉ có một phần nhỏ đội viên được bố trí công tác, số còn lại vẫn đang nằm ở diện “quy hoạch treo” do không có biên chế.
Sáng ngày 27/6, tại Nghệ An, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện dự án 600 Phó Chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.
Dự án Thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo trong cả nước, trong đó khu vực Bắc Trung bộ được triển khai tại 15 huyện của 4 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị) với 104 đội viên.
Sau 5 năm triển khai, đội ngũ tri thức trẻ này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển mọi mặt về chính trị, kinh tế, xã hội… của các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn thuộc 4 tỉnh nói trên.
Đến hết tháng 6/2017, thời gian thực hiện thí điểm Dự án 600 Phó Chủ tịch xã sẽ kết thúc. Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có 29 trên tổng số 101 đội viên được bố trí công tác (trong quá trình triển khai dự án có 1 đội viên nghỉ, 2 đội viên tử vong vì tai nạn giao thông). Trong đó, Nghệ An đã bố trí được 16/25 đội viên, Quảng Bình bố trí được 10/10 đội viên, Quảng Trị bố trí được 2/7 đội viên, Thanh Hóa bố trí được 1/58 đội viên.
Việc bố trí công việc sau kết thúc dự án được các đội viên Dự án hết sức quan tâm. Anh Phạm Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết: “Tham gia Dự án là cơ hội để chúng tôi cọ xát, phát huy kiến thức đã được học giúp đồng bào các xã nghèo biên giới phát triển kinh tế, xã hội, ổn định tình hình chính trị. Chúng tôi đã được quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phó phòng, ban chuyên môn cấp huyện. Quy hoạch thì là thế nhưng chưa biết cụ thể thế nào trong khi dự án sắp kết thúc. Chúng tôi mong muốn được lãnh đạo chính quyền địa phương sớm bố trí công việc phù hợp”.
Thanh Hóa là địa phương có đông đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Theo báo cáo của Sở Nội vụ Thanh Hóa, hiện tỉnh này đã có kế hoạch bố trí 37 đội viên vào các vị trí công chức cấp xã hoặc cấp huyện. Còn 22 đội viên đang khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí do không có biên chế.
Tại Nghệ An, 25/25 đội viên đã được quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phó phòng, ban chuyên môn cấp huyện. Sau kỳ bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, có 16 đội viên được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc đơn vị hành chính loại 1, được bầu 2 Phó Chủ tịch xã theo Luật chính quyền địa phương. 9 đội viên còn lại dù đã được quy hoạch nhưng thực tế sắp xếp, bố trí theo quy hoạch thì rất khó.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện tỉnh Quảng Trị cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là không có biên chế để bố trí công tác cho các đội viên sau khi dự án kết thúc. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng của các đội viên. Các tỉnh cũng đề nghị Bộ Nội vụ có biện pháp tháo gỡ về vấn đề này, trong đó có nội dung tăng chỉ tiêu biên chế cho các địa phương đang triển khai dự án.
Từ hiệu quả trong quá trình triển khai, các địa phương đề nghị Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan tiếp tục mở rộng dự án cũng như có chính sách phát triển nguồn cán bộ lãnh đạo cấp xã tại các huyện khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Thừa – Thứ trưởng Bộ Nội vụ ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và hiệu quả, đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ thuộc Dự án 600 Phó Chủ tịch xã triển khai ở các tỉnh Bắc Trung bộ trong 5 năm qua.
Khi khảo sát triển khai dự án, Ban Chỉ đạo đã tính đến việc bố trí công việc cho các đội viên và khẳng định sẽ bố trí được công việc khi dự án kết thúc. Việc bố trí công tác cho các đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ là việc cần thiết phải làm. Những đội viên nào không đáp ứng được yêu cầu công tác cần phải bị loại bỏ.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương và các trí thức trẻ thuộc Dự án có sự nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai, công tác; qua đó đề xuất các giải pháp gắn với thực tiễn cơ sở để Ban chỉ đạo Dự án có sự tổng kết chính xác, hiệu quả.
Hoàng Lam