1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

Dự án 384 tỷ đồng "biến" bùn thải thành bê tông, gạch lát ở Hà Nội

Thế Kha

(Dân trí) - Dự án nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng tại xã Dục Tú, (Đông Anh, Hà Nội) có tổng mức đầu tư gần 384 tỷ đồng sẽ tái chế chất thải xây dựng, bùn thải thành bê tông, gạch lát.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn ý kiến cộng đồng.

Hoàn thành vào quý I/2026, tái chế chất thải thành bê tông, gạch lát

Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất lớn, thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM.

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2014, bãi đổ chất thải rắn xây dựng tại xã Dục Tú với diện tích khoảng 7ha thuộc danh mục ưu tiên đầu tư, phục vụ nhu cầu cho các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn.

Dự án 384 tỷ đồng biến bùn thải thành bê tông, gạch lát ở Hà Nội - 1

Nạo vét hồ Tây, Hà Nội (Ảnh minh họa: Phong Quang).

Về hình thức xử lý, dự án có thay đổi từ bãi đổ chôn lấp sang nhà máy xử lý bằng công nghệ hiện đại, phù hợp với quan điểm xử lý chất thải rắn ở Hà Nội.

Chủ dự án - Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương, khẳng định dự án được áp dụng công nghệ tái chế hiện đại thu hồi tài nguyên từ chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất, tái chế ra các sản phẩm vật liệu xây dựng như bê tông, gạch lát…

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần xử lý một phần chất thải rắn xây dựng trên địa bàn Hà Nội, giảm thiểu chất thải rắn xây dựng phải chôn lấp.

Đến nay, dự án thuộc danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 trên địa bàn Hà Nội theo Nghị quyết 36/2024 của HĐND TP Hà Nội

Chủ dự án sẽ phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh, UBND xã Dục Tú và xã Cổ Loa tiến hành thu hồi, giải phóng mặt bằng, chi trả tiền đền bù cho các hộ dân.

Công suất tái chế khoảng 1.000 tấn chất thải xây dựng/ngày và 1.000m3 bùn thải xây dựng/ngày.

Thông tin về yếu tố nhạy cảm môi trường, báo cáo ĐTM cho thấy dự án thu hồi gần 4.000m2 đất trồng lúa. Trong phần đất thực hiện dự án không có dân cư sinh sống.

Trước khi đi vào hoạt động (dự kiến quý I/2026), dự án sẽ vận hành thử nghiệm công trình xử lý khí thải, nước thải theo quy định.

Dự án 384 tỷ đồng biến bùn thải thành bê tông, gạch lát ở Hà Nội - 2

Vị trí thực hiện dự án ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội (Nguồn: ĐTM).

Nhu cầu xử lý bùn thải ở Hà Nội đang rất lớn

ĐTM dẫn báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy, các quận nội thành của Thủ đô có khoảng 122 hồ với tổng diện tích 1.158ha. Hầu hết các hồ chưa được cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét bùn - mặc dù theo quy định 3-5 năm phải tiến hành nạo vét.

Bùn nạo vét hiện nay chưa được xử lý phù hợp. Bãi đổ bùn thải thoát nước tạm thời của Hà Nội là bãi Yên Sở có diện tích 14ha ở ngoài đê sông Hồng đã gần đầy.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 3 bãi chôn lấp bùn thải thoát nước là Phú Thị, Chương Dương và Sơn Tây với tổng diện tích 23ha.

Hà Nội chuẩn bị triển khai dự án cải tạo môi trường Hồ Tây với lượng lớn bùn trầm tích nạo vét trên 1,3 triệu m3 nhưng chưa tìm được phương án xử lý và đổ thải.

Ngoài ra, theo ĐTM, lượng bùn thải từ hàng trăm công trình xây dựng ngầm của Hà Nội cũng chưa có phương án xử lý.

Do đó, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế sử dụng diện tích đổ thải bùn cần thiết phải đầu tư trạm xử lý, tái chế bùn nạo vét nhằm tận dụng sản xuất vật liệu xây dựng, phục vụ phát triển tuần hoàn cho thành phố.

Sau khi điều chỉnh, dự án tại xã Dục Tú có tổng mức đầu tư gần 384 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư 120 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp gần 264 tỷ đồng.

Chậm tiến độ nhiều năm

Dự án Nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng tại xã Dục Tú được UBND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư năm 2018, nhà đầu tư là Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương.

Tiến độ triển khai đầu tư được bắt đầu từ năm 2018, dự kiến hoàn thành trong 12 tháng kể từ ngày được giao đất; thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên đến nay nhà đầu tư chưa thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để thực hiện.