An Giang:
“Đột nhập” lò chế biến khô rắn, trăn “độc” nhất miền Tây
(Dân trí) - Thông thường người dân miền Tây hay dùng các loại cá để làm khô, làm mắm... Ít ai biết rằng ở đây còn có một số loại khô "đặc biệt" được làm từ... rắn, trăn.
Vào mùa nước nổi, đến khu vực biên giới giáp Campuchia thuộc xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang sẽ thấy không khí làm khô rắn ở các lò chế biến khô rắn độc nhất miền Tây rộn ràng như thế nào. Toàn bộ số rắn được bà con mua về xẻ thịt làm khô đa phần phải “nhập khẩu” từ nước bạn Campuchia.
Anh Lê Văn Tiểu có gần 10 năm kinh nghiệm làm khô rắn ở xã Vĩnh Hội Đông cho biết: “Rắn nhiều nhất là vào mùa nước nổi này. Khi vào mùa không chỉ người dân vùng biên như An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn… đi săn rắn bán cho mình mà có cả người dân Campuchia cũng đi bắt rắn mang sang Việt Nam bán cho các chủ vựa. Bình quân mỗi ngày riêng các cơ sở ở đây thu mua từ vài chục đến vài trăm ký rắn”.
Theo anh Tiểu cho biết, làng làm khô rắn, trăn ở xã Vĩnh Hội hình thành khoảng 10 năm nay. Các loại rắn dùng để làm khô chủ yếu là rắn bông súng, rắn râu, rắn nước, rắn trun… Do đây là các loại rắn tạp, giá trị kinh tế thấp nên giá rắn mua vào chỉ khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/kg.
Rắn mua về, người dân phân ra làm 2 loại, một loại xẻ thịt, lột da lấy thịt làm khô; loại 2 chỉ mổ bụng lấy nội tạng rồi mang rắn ra phơi nguyên con, làm khô. Với loại này việc chế biến đơn giản, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ngâm rượu, có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg
Riêng loại rắn lột da, lóc thịt làm khô thì việc chế biến phức tạp hơn. Để khô được ngon, ngoài khâu nguyên liệu được chú ý thì khâu chọn lựa nguyên liệu cũng rất quan trọng. Thông thường thợ làm khô rắn phải chọn thịt tươi và các công đoạn lột da, xẻ thị, ướp nguyên liệu… diễn ra nhanh chóng và liên tục để rút ngắn thời gian chế biến, giữ được chất lượng thịt và màu thịt rắn tươi ngon.
Sau khi xếp các dải thịt rắn thành một mảng mỏng, người dân mang ra nắng phơi. Với khô rắn, chỉ cần 1 – 2 nắng là đủ. Trung bình 12kg rắn tươi cho ra 1kg khô rắn. “Hiện tại, giá bán từ 200.000 - 400.000 đồng/kg khô rắn. Tuy nhiên, vào dịp tết, giá khô thường tăng lên gấp đôi mà vẫn không đủ hàng cung cấp cho khách”, anh Tiểu cho biết.
Anh Tiểu tiết lộ, rắn thương phẩm mua về làm khô không phải bỏ bộ phận nào. Thịt rắn lóc ra làm khô; phần da, đầu đuôi thì bán cho các hộ nuôi cá; phần đầu lòng bán cho các quán nhậu; còn phần xương phơi khô bán cho các quý ông ngâm rượu… Nhờ vậy lợi nhuận của các hộ làm khô rắn khá đều.
Làng làm khô rắn Vĩnh Hội mấy năm gần đây còn làm thêm khô trăn. Thịt trăn không ngon bằng thịt rắn nên giá bán cũng thấp hơn, từ 50.000 - 100.000 đồng. Đối với khô trăn, nguồn nguyên liệu luôn có sẵn nên không rơi vào tình trạng khan hàng, tăng giá. Trung bình 5kg thịt trăn tươi sẽ cho ra 1kg thịt khô.
Nguyễn Hành