1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đốt lên lửa nhiệt huyết

Không thể biết bao nhiêu người dân Quảng Bình đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chỉ biết rằng, mỗi lần gặp Đại tướng, ở họ như được người truyền cho, đốt lên ngọn lửa nhiệt huyết.

Đại tướng và người anh hùng

 

Kỷ niệm 50 năm con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, tôi tìm nữ Anh hùng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế để viết bài.

 

Trong câu chuyện với tôi, anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế tự hào nói rằng: “Cuộc đời của tôi tuy trải qua nhiều mất mát hy sinh, nhưng cũng có rất nhiều niềm vinh dự. Trong đó có những niềm vinh dự thật lớn lao, đó là những lần tôi được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tôi, Đại tướng không chỉ là một vị Tổng Tư lệnh, mà còn là một người cha, người anh thân thương”.

 

Đốt lên lửa nhiệt huyết - 1

“Cháu không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn Lê Vũ Hoàng. (Ảnh Tư liệu).

 

Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế kể, bà được gặp Đại tướng lần đầu tiên là tại Đại hội Anh hùng toàn quốc tháng 1/1967. Sau Đại hội, Đoàn Quảng Bình dự bữa cơm với Bộ Chính trị. Bà đã nhận ra ngay Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi phong thái uy nghi và giọng nói Quảng Bình đặc sệt. Lần đó cả Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã không cầm được nước mắt khi nghe bà kể chuyện 45 ngày dưới mưa bom, bão đạn để san đường, phá bom và tìm xác đồng đội.

 

Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp riêng đoàn. Đại tướng đã ân cần hỏi thăm bà về sức khỏe, gia đình, tình hình quê nhà. Cũng từ lần đó, trong thâm tâm của bà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là một người anh, là một nguồn động viên giúp bà vượt qua những khó khăn nhất...

 

Từ đó đến nay, bà còn được nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lần nào cũng vậy, Đại tướng đều ân cần hỏi thăm bà về mọi thứ: Sức khỏe, gia đình, đời sống...

 

Bà còn nhớ rất rõ hai lần gần đây nhất ra Hà Nội và đến thăm gia đình của Đại tướng. Lần thứ nhất là vào dịp mừng thọ Đại tướng 91 tuổi, bà cùng với các Anh hùng Nguyễn Tri Phương, Đinh Thị Thu Hiệp đến mừng thọ Đại tướng, được chụp ảnh chung với Đại tướng, được gia đình Đại tướng mời cơm... làm cho bà và mọi người ai cũng cảm nhận được một tình cảm thật ấm cúng.

 

Còn lần mới đây nhất, tại lễ kỷ niệm 40 năm Phong trào “Phụ nữ 3 đảm đang”, bà được mời ra Hà Nội và bà đã đến thăm gia đình Đại tướng. Lần này, bà đã thật sự rất cảm động trước tình cảm mà gia đình Đại tướng bao năm qua vẫn dành cho bà. Vừa trông thấy bà, bà Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng đã ôm chầm lấy: “Sao em hồi này gầy vậy, chắc cuộc sống cực khổ lắm à?”.

 

Bà cười trả lời hóm hỉnh: “Nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cũng không ai bằng”. Bà Đặng Bích Hà cười, trách yêu bà Huế: “Con bé này, vẫn nghịch ngợm như xưa”. Bà Huế hiểu đã từ lâu, gia đình Đại tướng đã coi bà như người thân trong gia đình...

 

“Lửa” được “truyền”

 

Năm 2005, cậu học sinh nghèo Lê Vũ Hoàng ở Trường Trung học phổ thông Số 1 huyện Bố Trạch (Quảng Bình) giành được vòng nguyệt quế Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Bằng sự nỗ lực học tập, bằng ý chí, quyết tâm to lớn, Lê Vũ Hoàng đã giành được vinh dự đặt chân lên đỉnh cao nhất của cuộc thi. Nhưng có lẽ niềm vinh dự còn to lớn hơn là em được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện khen và mời đến nhà để gặp gỡ.

 

Trong cuộc trò chuyện giữa “hai ông cháu người Quảng Bình”, Đại tướng căn dặn Hoàng: “Cháu phải cố gắng! Lúc thành công thì mừng rồi, nhưng Bác dặn là cháu không được ngủ say trên vòng nguyệt quế! Và không nên thoả mãn. Vì bước đường còn dài. Mình làm được như thế nhưng thực ra mình đã làm gì cho đất nước đâu. Đất nước mình còn nghèo. Cháu nhớ không?”.

 

Khi Hoàng trả lời: “Cháu nhớ rồi ông ạ”, Đại tướng cười và kéo Hoàng vào vòng tay mình: “Nhớ rồi thì bắt tay thêm cái nữa nào! Cháu nhớ đã giao kèo đấy nhé...”. Đó cũng là lời dặn mà Đại tướng thường xuyên nói với thế hệ trẻ Quảng Bình mỗi lần ông về thăm quê hương ...

 

Bây giờ đã nghỉ hưu rồi nhưng ông Nguyễn Hữu Long - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình - vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết nhỏ trong lần Đại tướng đến thăm Hội Nông dân tỉnh. Từng lời dặn ân cần của Đại tướng với cán bộ hội lần đó như truyền cho ông Long và những người làm công tác hội ngọn lửa nhiệt huyết, là động lực thôi thúc họ hoàn thành nhiệm vụ.

 

Vâng lời Đại tướng dạy, trong nhiều năm qua, Quảng Bình đã có rất nhiều người nông dân tài giỏi, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt để làm giàu. Nhiều thanh, thiếu niên Quảng Bình đã biết vượt khó, học giỏi để vào đại học, nhiều em đã là thủ khoa với số điểm cao như em Phạm Thái Sơn, em Lê Văn Lâm, Trần Xuân Hóa...

Ông Long kể: “Đó là lần Đại tướng về thăm quê vào năm 1990. Bắt đầu câu chuyện với cán bộ Hội ND tỉnh, Đại tướng cười thật tươi rồi nói: “Tôi làm quân sự nhưng đã từng là chuyên gia dân cày nên rất quan tâm đến nông dân và công tác hội nông dân”.

 

Đại tướng căn dặn:

 

“Quảng Bình trong chiến tranh là tuyến lửa, bị tàn phá nặng nề. Bây giờ hòa bình rồi nhưng Quảng Bình lại nằm trong vùng đất khắc nghiệt cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp còn phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống của bà con nông dân ta vì thế còn rất khó khăn, nghèo khổ. Hội Nông dân phải nỗ lực hơn nữa để vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, làm tốt chức năng của mình, vận động bà con nông dân làm tốt thủy lợi, thâm canh các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao để xóa đói, giảm nghèo.

 

Đặc biệt, Hội phải giáo dục nông dân chống cho được tư tưởng bảo thủ, phải tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất cao hơn. Làm thế nào để Hội Nông dân phải là chỗ dựa vững chắc cho bà con nông dân vươn lên...”.

 

 

Theo Phan Phương

Dân Việt