1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

30 năm giữ nhà Đại tướng

(Dân trí) - 30 năm nay, công việc hằng ngày của ông là trông coi ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với ông đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự và niềm tự hào tha thiết…<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1787/Dai-tuong-Vo-guyen-Giap-tron-100-tuoi.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi</b></a>

Ông tên là Võ Đại Hàm (SN 1944), quê ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, người cháu thúc bá gọi Đại tướng bằng bác. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ ông Hàm đã được ra Bắc học trường thân nhân liệt sĩ Hà Nội. Năm 1978, ông trở về mảnh đất gió Lào cát trắng làm ăn lập nghiệp theo tiếng gọi của tình yêu quê hương bản quán. “Lúc đó, bác Giáp giao luôn nhiệm vụ trông coi nhà cửa và phần đất hương hỏa gia đình cho tôi. Nghe lời bác dặn, tôi xây dựng nhà của mình ngay sau lưng ngôi nhà của bác để dễ dàng quản lý” - ông Hàm cho biết.
 
30 năm giữ nhà Đại tướng - 1

Một góc nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Công việc thầm lặng

 

Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm yên bình bên dòng Kiến Giang nước chảy trong xanh, hàng chè the chạy dài theo con ngõ nhỏ. Bên trong ngôi nhà ấy, cây cối xanh mát, vườn tược sạch sẽ bởi được hai vợ chồng ông Hàm ngày ngày quét dọn, chăm nom.

 

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hàm rót ly trà đặc mời khách và bắt đầu kể chuyện về ngôi nhà của Đại tướng với những kỉ niệm sâu sắc, khó quên. Ông bảo ông đã ở trong ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng bao nhiêu năm qua, còn gắn bó thân thiết hơn cả nhà của mình. Mỗi tặng vật như bức ảnh, sách, chữ Hán viết bằng giấy dó... của người dân khắp nơi mến mộ mang về tặng Đại tướng, ông Hàm đều nâng niu, trân trọng giữ gìn. Cứ mỗi sáng sớm thức dậy, ông Hàm tranh thủ cày xới luống rau, chặt vài khúc củi rồi lại qua trông nhà Đại tướng. Chén nước trà xanh cùng tờ báo là hai người bạn không thể thiếu trong lúc rãnh rỗi, chưa có khách đến tham quan.
 
30 năm giữ nhà Đại tướng - 2
Những lúc rãnh rỗi, ông Hàm thường ham thú đọc báo và lau dọn bàn thờ trước nhà Đại tướng

 

Trận lũ lịch sử hồi tháng 10 năm ngoái, nước sông Kiến Giang dâng lên cao, ngập ngang mép bàn căn nhà. Như thành thông lệ, năm nào đến lũ ông Hàm cũng cẩn thận gói gém trước đồ đạc, tranh ảnh treo trong nhà Đại tướng đưa về nhà mình, chất lên chỗ cao rồi bảo mấy đứa con trông giữ cẩn thận. Lũ rút hết, căn nhà ngập ngụa bùn non, ông Hàm cùng vợ con ra sức quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Nền nhà bằng đất nên khi nước lũ rút, đất bị bong tróc từng mảng lớn, nhão nhoẹt, ông Hàm chạy ra đồng cuốc bùn dưới ruộng mang về đắp lại như cũ. “Năm nào lũ to cũng thế, nhưng tôi tuyệt đối giữ gìn mọi thứ trong căn nhà, không để xảy ra mất mát hay hư hỏng. Nếu bị mất thứ gì đó, tôi cảm thấy mình có tội với bác lắm!” - ông Hàm tâm sự. 

 

Dải đất Lệ Thủy thời tiết khắc nghiệt, cằn khô, mùa đông bão lũ triền miên, mùa hè gió Lào thổi rát mặt. Cánh cữa nhà lợp bằng lá cọ bao lần bị gió thổi tung hay mưa dầm làm rách nát. Thế là ông Hàm lại lụi hụi sửa lại, có khi sửa không được, ông đạp chiếc xe phượng hoàng cũ nát lên tận vùng núi xa tìm mua lá cọ về làm lại. Ông nói: “Vì là nhà lưu niệm nên mình phải để theo lối kiến trúc như cũ, thay khác đi sẽ không hay. Mỗi thứ đồ trong căn nhà đều mang hơi thở của làng quê, rơm rạ. Đơn giản, bình dị như tính cách con người Lệ Thủy vậy!”.   
 
30 năm giữ nhà Đại tướng - 3
Hàng chè the chạy dài theo con ngõ nhà Đại tướng

 

Nhìn cách ông Hàm dùng chổi lông nhẹ nhàng làm sạch những khung ảnh, bàn thờ, quyển sách viết về Đại tướng mới thấy ông yêu quý công việc của mình tới mức nào. Với ông căn nhà không chỉ là nơi để khách tham quan mà nó còn mang chút gì đó linh thiêng. Suốt buổi trò chuyện, ông Hàm thường nhắc tới câu nói của Đại tướng: “Gia đình, quê hương là nơi hun đúc ý chí, nhân cách, và quyết định con đường đi đúng đắn cho tôi sau này”.

 

Người hướng dẫn viên đặc biệt 

 

Những ai đã từng một lần đến thăm ngôi nhà Đại tướng, hẳn sẽ không quên một hướng dẫn viên du lịch đặc biệt như ông Hàm. Mỗi ngày có hàng chục lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan nên hầu như giờ phút nào ông Hàm cũng có mặt trong nhà để tiếp khách, trò chuyện. Khách ấn tượng ông ở cách ăn mặc giản dị, lối nói chuyện mộc mạc, rặt chất giọng Lệ Thủy. Từng câu chuyện ông kể về Đại tướng với sự hiểu biết và tấm lòng ngưỡng mộ sâu sắc.

 

“25 năm sống trong nhà Đại tướng, tôi đã học hỏi được nhiều điều bác dạy trong cách đối nhân xử thế, cách suy nghĩ và hành xử với mọi người. Dù là người luôn bận bịu với công việc nhưng bác vẫn quan tâm đến người khác, chân tình sẻ chia những suy nghĩ, trăn trở. Tết năm nào bác cũng gửi quà về thờ cúng trong nhà và quà biếu cho bà con trong xóm cả mà” – ông Hàm cười nói.
 
30 năm giữ nhà Đại tướng - 4
Ông Hàm với chất giọng người xứ Lệ kể chuyện say sưa về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Một du khách cảm nhận về ông Hàm như sau: nếu thay ông bằng cô hướng dẫn viên du lịch nào đó chắc chắn chuyến tham quan sẽ không nhiều ấn tượng. Ông Hàm với chất giọng người xứ Lệ cộng thêm chút hóm hỉnh, hài hước nên trong mỗi câu chuyện ông kể mới cảm nhận hết sự hấp dẫn, lòng mến mộ Đại tướng - vị tướng huyền thoại của Đất nước và Nhân dân.

 

30 năm gắn bó với ngôi nhà với công việc hướng dẫn viên du lịch không chuyên, có nhiều kỷ niệm sâu sắc, khó phai mờ trong cuộc đời ông Hàm. Năm đó, hai người con gái Pháp có ông nội từng là lính viễn chinh Pháp tham gia tại chiến trường Việt Nam. “Họ đã phải thốt lên rằng thật không ngờ, cha ông họ lại bị đánh bại bởi một con người sinh ra và lớn lên trên nếp nhà đơn sơ, trên mảnh đất khắc nghiệt nắng gió này. Sự tò mò và lòng ngưỡng mộ khiến họ lưu lại bảy ngày ở Lệ Thủy để tìm hiểu về cuộc sống và con người nơi đây” - ông Hàm cho hay.

 

Năm 2006, Đại tướng về thăm quê hương, thắp nhang cho bàn thờ họ tộc. Mỗi chuyến đi, Đại tướng đều thăm hỏi, động viên ông Hàm và bà con làng xóm cố gắng làm ăn, xây dựng nếp sống văn minh. “Điều mà Đại tướng tiếc nuối nhất khi về quê có lẽ là không có cơ hội xem đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vào dịp lễ Quốc khánh mồng 2 tháng 9”. Trong tâm thức vị tướng huyền thoại ấy, hình ảnh dòng sông quê với làn điệu hò khoan Lệ Thủy đã trở thành một phần máu thịt và hơi thở của cuộc sống.

 

Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng tham quan ngôi nhà, ông Hàm cho biết cây cối trong vườn phần nhiều đều tự tay Đại tướng trồng lên. Cây khế 100 tuổi sau góc nhà, lần nào về bác cũng ra thăm. Ngày xưa, dưới gốc khế ấy, bác đã ôn bài vở và chơi các trò chơi con trẻ với bạn đồng liêu. Trận bão lũ năm ngoái, cây khế bị gió quật tơi bời, cành gãy lá rụng.
 
30 năm giữ nhà Đại tướng - 5
Cây khế hơn 100 tuổi, nơi cậu học trò Võ Nguyên Giáp thường ngồi dưới gốc cây học bài, chơi với bạn đồng liêu

 

Chia tay ông Hàm khi mặt trời đã dần khuất sau dãy Trường Sơn, hỏi ông năm nay đã ngoài 60 tuổi, sau này việc trông coi ngôi nhà Đại tướng ai sẽ thay thế cho ông? Ông Hàm nói: “tôi sẽ trông coi đến hết phần đời còn lại. Nếu tôi mất đi thì con cháu tôi sẽ đứng ra trông coi ngôi nhà này cho đến muôn đời sau”. 

 

Mong mỏi lớn nhất của ông Hàm lúc này là ngôi nhà lưu niệm được đầu tư bảo quản nhằm giữ lại giá trị văn hóa tinh thần cho các thế hệ sau.

 

Nguyễn Thanh Tuấn