Gia Lai:

Đống tro tàn ở ngôi làng đẹp nhất Tây Nguyên

(Dân trí) - Gần 50 năm qua, làng Kon Sơ Lăl thơ mộng đã kiên cường “chống chọi” với bao cuộc “tấn công” của thời cuộc, để được tôn vinh là ngôi làng đẹp nhất Tây Nguyên. Nhưng rồi chỉ trong chốc lát, lửa đã cướp đi phần quý giá nhất của ngôi làng...

Cách trung tâm TP Pleiku chừng 50km về hướng Đông Bắc, làng Kon Sơ Lăl cũ (xã Hà Tây, Chư Păh, Gia Lai) được đánh giá là ngôi làng mang đậm chất Tây Nguyên nhất hiện nay. Trải qua bao cuộc đổi thay, những ngôi làng của người bản địa trên cao nguyên đất đỏ bazan đều đã khoác lên mình màu sắc của sự hiện đại hóa; duy chỉ có Kon Sơ Lăl vẫn luôn có “sức đề kháng” mạnh mẽ để giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của một ngôi làng Bahnar.

Già Xôn (SN 1962) - già làng Kon Sơ Lăl - cho biết, làng đã được xây dựng gần 50 năm nay. Ngoài gần 50 ngôi nhà sàn được dựng bằng gỗ thì nhà rông chính là linh hồn toát lên vẻ đẹp quyền uy và khát vọng của dân làng, đồng thời cũng là minh chứng cho lịch sử của làng. Để có được một ngôi nhà rông sừng sững quý giá như hôm nay, tất cả đàn ông khỏe mạnh trong làng đã mất nhiều tháng trời cùng với sức voi, sức trâu vào tận rừng sâu để mang về làng những cây gỗ tốt.

Nhà rông làng Kon Sơ Lăl cũ đã từng được trả giá 9 tỷ đồng
Nhà rông làng Kon Sơ Lăl cũ đã từng được trả giá 9 tỷ đồng

Năm 2002, để giúp người dân làng Kon Sơ Lăl thuận tiện hơn về đường, trường, trạm, chính quyền xã đã vận động người dân trong làng ra khu tái định cư gần trung tâm xã để sống. Phương án di dân này ban đầu vấp phải sự phản đối quyết liệt của dân làng. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức, chính quyền xã mới đưa được hơn 400 con người ra làng mới.

Giờ chỉ còn là một đống tro tàn.
Giờ chỉ còn là một đống tro tàn.

Vậy là ngôi làng cũ cách làng mới chừng hơn 2km dần vắng bóng người. Gần 50 ngôi nhà sàn được dựng bằng các loại gỗ quý như trắc, hương… đã bị chủ nhân đóng cửa im ỉm. Duy chỉ có hơn 10 người già vì nuối tiếc, vì muốn níu giữ kỉ niệm của người Bahnar mình nên đã chịu sống cô đơn ở làng cũ.

Biết được giá trị của ngôi làng, nhiều thương lái săn mua gỗ trắc đã tìm đến làng dụ người dân bán nhà để lấy gỗ. Vì nhiều nguyên nhân của cuộc sống, vài năm trước đã có 6 ngôi nhà làm bằng gỗ trắc được bán cho thương lái với giá vài trăm triệu đồng/nhà. Tuy nhiên, có nhiều ngôi nhà được thương lái trả giá gần cả tỷ đồng nhưng chủ nhân quyết không bán dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Làng Kon Sơ Lăl cũ nên thơ giờ đã bị lửa làm cho hoang tàn
Làng Kon Sơ Lăl cũ nên thơ giờ đã bị lửa làm cho hoang tàn

Đã hơn 90 tuổi nhưng cụ Chơnh vẫn quyết sống một mình ở làng cũ với bao thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Cụ cho biết, thương lái đã nhiều lần đến năn nỉ cụ bán ngôi nhà sàn bằng gỗ trắc của mình với giá 500 triệu đồng nhưng cụ kiên quyết lắc đầu: “Rừng đã hết, mình chỉ muốn giữ lại ngôi nhà này cho con cháu mình. Đây là nơi con cháu mình đã sinh ra, nó đã học được những gì từ cha ông dạy lại, mình muốn nó tồn tại mãi mãi. Bán đi rồi sẽ không bao giờ dựng lại được ngôi nhà như vậy nữa”, cụ Chơnh bày tỏ.

Phía xa là một ngôi nhà sàn bằng gỗ trắc may mắn thoát nạn
Phía xa là một ngôi nhà sàn bằng gỗ trắc may mắn "thoát nạn"

Cũng như cụ Chơnh, hàng chục chủ nhân của những ngôi nhà quý đã quyết tâm làm ngơ với “ma lực” của đồng tiền, dù cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Dù không ở hàng ngày, nhưng họ vẫn thường xuyên đưa cả gia đình về làng cũ sống và làm việc. Đó cũng là cách níu giữ nền văn hóa truyền thống của người Bahnar ở Kon Sơ Lăl.

Già Xôn kể, trước đây các thương lái đã nhiều lần năn nỉ làng bán ngôi nhà rông cho họ với giá 9 tỷ đồng nhưng cả làng dứt khoát không bán; quyết giữ bằng được linh hồn của làng.

Anh Chưm buồn bã sau khi làng bị cháy, mẹ anh đã khóc một ngày đêm và không ăn gì. 
Anh Chưm buồn bã sau khi làng bị cháy, mẹ anh đã khóc một ngày đêm và không ăn gì. 

Nhưng rồi nỗi đau đã ập đến. Khoảng 14h ngày 29/4, một tia sét đã đánh trúng vào mái nhà tranh của gia đình ông Dyưn (50 tuổi). Rồi gió cứ đưa lửa đi từ mái tranh này sang 11 mái tranh khác và sang cả nhà rông. Đến 16h chiều cùng ngày, mái tranh của ngôi nhà rông sừng sững đổ ập xuống như một gã khổng lồ bị gục ngã trước thiên nhiên, trong sự bất lực đau đớn của hàng trăm con người.

Phải mất một ngày một đêm, người dân trong làng mới dọn hết được những gì còn sót do đám cháy oan nghiệt gây ra. Nỗi đau buồn đã bao trùm lên toàn bộ ngôi làng. Anh Chưm (SN 1979) kể, từ khi nhà rông và 11 ngôi nhà trong làng bị cháy, mẹ anh đã nằm khóc một ngày đêm mà không ăn bất kì thứ gì, những người già, người trẻ trong làng vừa dọn dẹp vừa khóc.

Già làng Xôn không ai là không buồn, không khóc
Già làng Xôn "không ai là không buồn, không khóc"

Sau khi nghe tin làng cháy, một số thương lái săn gỗ trắc đã vào làng tìm mua những gì sót lại của đám cháy. Dù ngôi nhà gỗ trắc đã bị cháy gần hết, nhưng nhà già Chơnh vẫn được thương lái trả giá 20 triệu cho những trụ gỗ trắc đã bị lửa thiêu gần hết. Những trụ gỗ của nhà rông còn sót lại cũng đang được thương lái liên tục “hỏi thăm”. “Người Bahnar mình quan niệm không bao giờ dùng lại những đồ bị sét đánh, vì có dùng thì sét cũng theo đánh lại cho bằng được. Nhiều người đã hỏi mua những trụ gỗ của nhà rông nên làng sẽ họp cả làng để thống nhất ý kiến của cả làng rồi mới quyết định”, anh Yưuh thôn trưởng cho biết.

Ngôi làng Kon Sơ Lăl thơ mộng giờ tan hoang.
Ngôi làng Kon Sơ Lăl thơ mộng giờ tan hoang.

Đám cháy ở làng Kon Sơ Lăl đã không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản và đặc biệt là về tinh thần, về giá trị văn hóa là không gì có thể đo đếm được. Sẽ không ai còn thấy được một ngôi làng đậm chất Tây Nguyên thơ mộng và kì bí nữa. Lửa đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người dân Kon Sơ Lăl và những người yêu văn hóa Tây Nguyên từng đặt chân đến nơi đây. 

“Cả làng mình buồn, không ai là không khóc… Sẽ không thể dựng lại làng như trước đây nữa!”, già Xôn thở dài.

Thiên Thư