Chính quyền địa phương đang tích cực động viên người dân ổn định tinh thần, để yên tâm sản xuất. Ông Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây nói: “Chính quyền xã xác định đây là vụ cháy rất nghiêm trọng. Về kinh tế, số cột nhà được làm bằng gỗ trắc, người dân chưa kịp di dời. Thứ hai, về mặt tinh thần, ngôi làng này rất lâu năm rồi, có từ thời ông bà ngày xửa, ngày xưa, từ khi lập làng, ít nhất là hơn 100 tuổi, nhà cửa vẫn còn nguyên vẹn, vẫn sử dụng tốt. Chính quyền xã chúng tôi động viên người dân bình tĩnh, cùng nhau khắc phục. Trước hết là ổn định chỗ ở cho những hộ bị cháy nhà, ổn định tinh thần để ổn định sản xuất”.
Cháy làng Kon Sơ Lăl cũ, Tây Nguyên mất đi một báu vật
3 ngày nay, mặc dù đã chuyển về làng mới, nhưng ngày nào cụ Chơn cũng quay lại ngôi làng cũ chỉ để nhìn lại đống tro tàn.
Một ngôi nhà sàn có cột bằng gỗ trắc còn sót lại trong làng.
Đã 3 ngày nay, mặc dù đã chuyển về làng mới, ở cùng con cháu, nhưng ngày nào cụ Chơn (90 tuổi) cũng quay lại ngôi làng cũ chỉ để nhìn lại đống tro tàn. Cụ Chơn cho biết, ngôi nhà có từ khi cụ lập gia đình, đến nay ngót ngét hơn 70 năm, được dựng bằng 18 cột gỗ trắc, đường kính chừng 20 cm, cùng hệ thống xà, kèo bằng gỗ quý của núi rừng Gia Lai. Chỉ riêng 18 cây cột, đã có người trả giá 500 triệu đồng, nhưng vì đây là kỷ niệm của một đời người, nên cụ không bán. Vậy mà, tất cả đã biến thành tro tàn bởi trận dông-sét mấy ngày trước. Cụ Chơn buồn rầu nói: “Do các cột đã bị cháy đen thui , nên người ta trả giá thấp, tiếc lắm. Ngôi nhà bị cháy là nơi tôi lấy vợ, sinh sống nhiều năm nay. Không phải tôi không thích làng mới, mà vì tôi đã quen sống ở làng cũ. Lúc nhà cháy, tôi chỉ biết đi quanh nhà nhìn nó bị cháy. Một mình cũng không thể dập lửa được. Nhìn nhà cháy hết rồi, tôi chỉ biết khóc thôi.”
Làng Kon Sơ Lăl cũ là 1 trong 4 ngôi làng định cư lâu đời của người Ba Na ở xã Hà Tây, còn giữ lại được nhà rông truyền thống và gần 20 căn nhà sàn làm bằng gỗ trắc, giá trị vật chất ước tính hơn chục tỷ đồng. Cùng với đó là những giá trị về kiến trúc, lịch sử và tâm linh. Bởi những giá trị này, khi chuyển về làng mới-năm 2002, dân làng đã không tháo dỡ những ngôi nhà gỗ quý, mà bảo tồn nguyên vẹn, đồng thời cử trai tráng túc trực ở nhà rông để canh phòng kẻ gian. Vụ hỏa hoạn vừa qua không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất của dân làng nói riêng mà Tây Nguyên cũng mất đi một báu vật, khiến dân làng ai cũng xót xa.
Đống tro tàn của một căn nhà sàn sau khi bị cháy.
VOV