1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đồng Nai thiếu nhiều đất san lấp dự án giao thông lớn

Hoàng Bình

(Dân trí) - Từ năm 2023 đến 2025, các dự án giao thông trọng điểm của Đồng Nai cần hơn 23 triệu m3 đất san lấp. Trong đó 2 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 3 TPHCM cần hơn 5,8 triệu m3 đất san lấp.

Ban quản lý dự án 85, chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa có công văn đề xuất Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho phép nghiên cứu, lập đề án lấy đất dư thừa từ dự án sân bay Long Thành qua phục vụ xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Nhu cầu đất san lấp rất lớn

Từ đề xuất của Ban quản lý dự án 85 mới thấy nhu cầu cấp thiết việc thiếu đất san lấp hiện nay tại tỉnh Đồng Nai là rất lớn. Trong cuộc họp với đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải đầu tháng 6 vừa qua, đại diện Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, cho biết 2 dự án trọng điểm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 TPHCM (đoạn qua địa bàn tỉnh) thiếu hơn 5,8 triệu m3 đất san lấp.

Đồng Nai thiếu nhiều đất san lấp dự án giao thông lớn - 1

Một mỏ đất phục vụ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ở huyện Xuân Lộc (Ảnh: Hoàng Bình).

Đối với lượng đất đắp nền, đất san lấp hiện nguồn cung trong tỉnh rất ít. Đến nay, Đồng Nai vẫn chưa có mỏ đất mới hoàn thành hồ sơ thủ tục khai thác để phục vụ 2 dự án. Trường hợp tận dụng đất tầng phủ tại các mỏ đất cũ thì chỉ có thể khai thác được gần 1 triệu m3 đất.

Trong 2 dự án nêu trên, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai cần khoảng 5,3 triệu m3 đất đắp.

Ngoài 2 dự án cao tốc trên, tỉnh Đồng Nai còn 8 dự án giao thông do Trung ương và tỉnh triển khai từ năm 2023 cần nguồn đất san lấp gần 23 triệu m3.

Với 4 dự án giao thông do Trung ương triển khai, nhu cầu về nguồn đất san lấp là hơn 16 triệu m3. Trong đó, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có nhu cầu về nguồn đất san lấp là khoảng 4,2 triệu m3; dự án Đường vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch cần 1,1 triệu m3 đất san lấp và lớn nhất là dự án đường vành đai 4 TPHCM có nhu cầu về đất san lấp lên đến 8,2 triệu m3. Trong khi đó, đối với 4 dự án giao thông do tỉnh triển khai, dự kiến nhu cầu về nguồn đất san lấp cũng lên đến gần 7 triệu m3.

Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, cho biết, đối với 2 dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và Đường vành đai 3 TPHCM, qua khảo sát vật liệu đất đắp, mới chỉ có ở mỏ Tân Cang 7 với trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3. Trữ lượng này không đủ đáp ứng khi cả 2 dự án được triển khai thi công đồng loạt vào cuối tháng 6.

Khó khăn trong việc cấp phép mỏ đất

Mới đây Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai đã dự thảo văn bản để UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường tháo gỡ các khó khăn về nguồn cung vật liệu san lấp phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết về cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp.

Đồng Nai thiếu nhiều đất san lấp dự án giao thông lớn - 2

Một mỏ đất ở huyện Cẩm Mỹ phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Hoàng Bình).

Trước mắt, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để địa phương cho phép nhà thầu thi công được lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng khai thác đất tại các khu vực gò đồi (có lớp đất sỏi đáp ứng tiêu chuẩn làm đường) không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, dự kiến từ năm 2023-2025 trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vật liệu san lấp để phục vụ 8 dự án giao thông trọng điểm quốc gia và của địa phương là gần 23 triệu m3.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết để chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ các dự án trên địa bàn, Đồng Nai đã quy hoạch và khoanh định 95 khu vực với diện tích hơn 500ha không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp lại rất khó khăn vì thủ tục cấp phép phức tạp.

Theo quy định Luật Khoáng sản năm 2010, đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Do vậy, việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản. Đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, các mỏ thường có diện tích, trữ lượng nhỏ, thời gian thực hiện ngắn (thường dưới 5 năm), có giá trị về mặt kinh tế thấp. Mặc dù vậy, các thủ tục cấp phép phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản.

"Nhiều thủ tục phức tạp, đầu tư nhiều kinh phí dẫn đến các tổ chức, cá nhân không đầu tư các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp do đầu tư không hiệu quả", ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết.

Nhiều lãnh đạo các địa phương trong tỉnh Đồng Nai cho rằng, thủ tục cấp phép khai thác phức tạp trong khi các mỏ đất có trữ lượng thấp nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Trước đó, ngày 21/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện tháo gỡ các khó khăn liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Nội dung công điện nêu rõ, dự án đã được khởi công từ ngày 1/1/2023. Song, tại một số gói thầu còn vướng mắc về nguồn VLXDTT, UBND các tỉnh mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14 mỏ trong tổng số 51 mỏ đã được chủ đầu tư, nhà thầu trình.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục xác nhận đăng ký khai thác, các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân khu vực mỏ khai thác vật liệu xây dựng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công.

Trước thực trạng đó, một trong những nhiệm vụ được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải thành lập tổ công tác gồm lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an (là thành viên của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải) và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm việc với tỉnh, thành phố thuộc khu vực dự án để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7.