1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đồng Nai gia hạn 4 khu đất cho dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Tâm Linh

(Dân trí) - Dự án cao tốc nghìn tỷ nối TPHCM - Phan Thiết với 2 giờ lái xe bị trì trệ thi công do thiếu đất đắp nền. Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận gia hạn nguồn đất phục vụ dự án.

Còn gần một tháng phải hoàn thành tiến độ, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vẫn dang dở nhiều đoạn. Các hạng mục đường đầu cầu dẫn, đường gom dân sinh vẫn chưa được hình thành từ đầu năm 2023 đến nay, do thiếu hụt nguồn đất đắp nền.

Đồng Nai gia hạn 4 khu đất cho dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - 1

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn nhiều đoạn ngổn ngang dù đã thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022 (Ảnh: Hải Long).

Năm 2022, tỉnh Đồng Nai đã cấp phép sử dụng 4 khu đất (trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và huyện Xuân Lộc) để có nguồn đất phục vụ dự án, nhưng thời hạn chỉ cho phép đến ngày 31/12/2022. Điều này dẫn đến công tác thi công bị kéo dài.

Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ ngày 16/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi vật liệu san lấp (đất) tại 4 khu vực gò, đồi bạc màu canh tác nông nghiệp kém hiệu quả để phục vụ thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Ban Quản lý dự án (QLDA), Bộ Giao thông Vận tải và các nhà thầu đã có văn bản đề nghị gia hạn nhưng tỉnh Đồng Nai chưa chấp thuận, sau đó đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ.

Nguyên nhân khách quan khiến công đoạn san lấp bị thiếu đất và cầm chừng mãi chưa xong chủ yếu là có sự chồng chéo, vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai và đầu tư.

Các quy định này dẫn đến mất thời gian trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Trong trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận đúng với chủ sở hữu đất thì không thể có nguồn vật liệu để cung cấp kịp thời cho các dự án giao thông quan trọng của quốc gia cũng như địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp vật liệu san lấp, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho phép tiếp tục thu hồi các khu vực cải tạo đất nông nghiệp đã được phê duyệt để phục vụ dự án, cho đến khi hoàn thành việc san lấp.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có văn bản chỉ đạo cho phép tỉnh Đồng Nai thực hiện theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ, tiếp tục giải quyết vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp, không để ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận gia hạn 4 khu đất trên.

Đồng thời, Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA và các nhà thầu tập trung quyết liệt tổ chức thi công, đưa dự án vào khai thác trước ngày 30/4/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo tính toán của Bộ GTVT, để đảm bảo mục tiêu trên, dự án cần có nguồn vật liệu đất đắp ngay trong tháng 3/2023, cụ thể cần khoảng 620.000m3 đất để thi công hoàn thành đồng bộ các hạng mục đường đầu cầu vượt ngang, hệ thống đường gom trên tuyến.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là một trong những dự án trọng điểm phía Nam

Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,3km, còn lại thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Mặt đường rộng hơn 32m thiết kế cho 6 làn xe, vận tốc 120km/h. 

Khi dự án hoàn thành, thời gian ô tô di chuyển giữa TPHCM và thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) còn khoảng 2 giờ, thay vì 5-6 giờ như hiện tại.