“Dòng họ” kể sử thi dài... hàng vạn trang giấy

(Dân trí) - Sống rải rác trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, dòng họ Điểu của anh em nhà nghệ nhân Điểu K’lứt, Điểu Kâu và Điểu K’lung vốn nổi tiếng khắp vùng Tây Nguyên vì khả năng hát kể Sử thi “siêu đẳng” dài hàng vạn trang giấy.

"Dòng họ" sử thi

Sinh ra ở vùng quê bon (tức buôn, làng) Bu Đrăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (tên gọi hành chính hiện nay), lớn lên ông Điểu K’lung (SN 1941) lấy vợ, sinh sống ở xã Ea Wer, Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Hai người anh của Điu K’lung là Điểu K’lứt (SN 1930), Điểu Kâu (SN 1935) vẫn sinh sống ở quê nhà tại tỉnh Đắk Nông. Năm 2008, nghệ nhân Điểu Kâu đã vĩnh biệt cõi trần vì tuổi già.

Nghệ nhân Điểu K’lung (SN 1941)

Nghệ nhân Điểu K’lung (SN 1941), hiện nay sinh sống ở xã Ea Wer, Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Ngay từ nhỏ, anh em nhà nghệ nhân Điểu K’lung đã thể hiện khả năng hát kể sử thi “siêu đẳng” hiếm thấy trong vùng và tài năng này đã sớm được phát hiện. Theo kết quả nghiên cứu, sưu tầm của các nhà chuyên môn thì nghệ nhân Điểu K’lứt (anh cả) đã hát kể, ghi âm trên 30 sử thi Mơ Nông (Ot Ndrong) với những s thi như: Cây niêu thần; Kẹt tay hang đá; Đàn lợn rừng của mẹ Suh mẹ Jiang; Lấy ché Yang be của mẹ trời… Trung bình mỗi sử thi ghi âm từ 5 - 8 băng, in song ngữ Mơ Nông - Việt từ 500 - 800 trang.
 
Còn với cố nghệ nhân Điểu Kâu (anh thứ 2) thì đã cung cấp, sưu tầm, phiên âm và dịch 62 tác phẩm: Truyện cổ Mơ Nông 1 và 2; Sử thi Mơ Nông cây niêu thần; Sử thi mùa rẫy Bon Tiăng... Với nghệ nhân Điểu K’lung (út), các nhà chuyên môn đã ghi âm được trên 50 sử thi Mơ nông, tiêu biểu như: Tiăng đi lấy sừng trâu; Thần cưa răng kon Rung; Thuốc cá ở hồ bầu trời mặt trăng; Bắt con lương ở suối Dak Huch; Đánh cá hồ lau lách … Trung bình mỗi sử thi ghi âm từ 7 - 10 băng, mỗi sử thi dịch ra song ngữ Mơ Nông - Việt từ 700 trang đến 1 ngàn trang. Điểu Klứt, Điểu Kâu và Điểu K’lung đều được công nhận là nghệ nhân dân gian ở lĩnh vực hát kể và truyền dạy sư thi Mơ Nông.

Theo các nhà chuyên môn, sở dĩ anh em nhà nghệ nhân Điểu K’lung biết hát kể nhiều Sử thi Mơ Nông là vì khi xưa vùng đất ở bon Bu Đrăng (xã Quảng Trực) là vùng quê gắn liền với sử thi, người cha, anh em trong dòng họ là người hát kể sử thi rất giỏi. Thời điểm đó họ thường hát trong lúc chăn trâu, chăn bò, lên rừng, lên rẫy... nên con cái trong nhà tập hát theo và trở thành thói quen. Theo đánh giá của ông Trương Bi - người có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm sử thi Tây Nguyên (nguyên PGĐ Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk), dòng họ anh em nhà nghệ nhân Điểu K’lung là dòng họ thuộc nhiều sử thi Mơ Nông nhất.

“Hiện nay dòng họ của người Mơ Nông không thống nhất, có nơi không gọi dòng họ mà chỉ gọi tên, sử thi của người Mơ Nông cũng bị phân tán, nhiều người hát kể sử thi cũng không còn nhớ nữa, chỉ lưu lại ở dòng họ của 3 anh em nghệ nhân Điều K’lứt, Điểu Kâu và Điểu K’lung. Sử thi của người Mơ Nông tồn tại ở dòng họ của gia đình nghệ nhân Điểu Kâu”, ông Bi nhận định.

Tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân Điểu K’lung cho biết từ lúc 7 - 8 tuổi, khi đang còn chăn trâu ông đã bắt đầu học kể sử thi. Thời điểm đó ông đã hát kể được khoảng 20 đến 30 sử thi khác nhau. “Buổi tối bên bếp lửa bập bùng, sáng mai ra trên lưng trâu là thuộc được một sử thi. Sử thi dài nhất tôi hát kể dài khoảng 7 ngày, 7 đêm. Ngắn cũng 2 ngày, 2 đêm”, nghệ nhân Điểu K’lung thổ lộ.

Nghệ nhân
Nghệ nhân Điểu K’lứt (1930), hiện đang sinh sống tại xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

“Tắt” dần một thế hệ sử thi

Hiện nay ở Đắk Lắk, Đắk Nông, người biết hát kể Sử thi Mơ Nông không nhiều. Nhiều người chết đồng nghĩa mang theo “kho báu” về thế giới bên kia, những người còn sống thì tuổi tác đã cao trong khi thế hệ trẻ cận kề chưa có.

Như nghệ nhân Điểu K’lung năm nay đã 72 mùa rẫy nhưng gánh nặng mưu sinh khiến ông già đi rất nhiều. Ông cho biết bao năm nay ông đau đáu một điều là làm thế nào để truyền dạy niềm đam mê truyền thống văn hóa dân tộc lại cho lớp trẻ. Bởi ông mới truyền dạy sử thi Mơ Nông cho 5 cháu nhỏ ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông và 2 cháu nhỏ ở xã Ea Wer, huyên Buôn Đôn, Đắk Lắk biết kể sử thi Mơ Nông.

Trong khi đó, người anh trai cả của nghệ nhân Điểu K’lung là Điểu K’lứt năm nay đã 83 tuổi nhưng ngày 2 buổi ông vẫn đều đặn đến trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) làm công tác bảo vệ kiêm công việc đánh trống trường. Mới gặp ông nhiều người cho rằng ông giống một lão nông hơn là một nghệ nhân chứ không hề biết rằng bên trong con người ấy đang cất giữ một “kho báu” sử thi Mơ Nông vô giá. “Tôi nhớ sử thi lắm! Những lúc như vậy tôi vẫn hát cho đỡ nhớ! Bây giờ già yếu tôi không thể hát đều đặn như lúc trước”, nghệ nhân Điểu K’lứt tâm sự.

Hiện nay tại tỉnh Đắk Nông, người được coi là nối nghiệp cha hát kể sử thi Mơ Nông giỏi là Thị Mai, 38 tuổi, ở bon Bu Prâng, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Thị Mai được biết đến là “người đàn bà sử thi” ở Tây Nguyên khi tiếp thu, kế thừa “kho” sử thi vô giá do cha đẻ của mình là cố nghệ nhân Điểu Kâu truyền dạy. Thị Mai cho biết khả năng của chị là “gỡ” (phiên dịch) sử thi Mơ Nông sang tiếng Việt. Đến nay chị cho biết đã phiên dịch được 6 - 7 bài sử thi Mơ Nông. Theo chị mỗi bài dài từ 6 đến 12 băng, 1 băng khoảng 90 phút, tương đương với 1 quyển 200 trang.

Nghệ nhân

Thị Mai (38 tuổi, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) người được biết đến là “người đàn bà sử thi”.

“Tôi đến với sử thi là do niềm đam mê, yêu thích từ bé! Lớn lên tôi được cha tôi bày vẽ nên cũng cứng cáp dần. Học sử thi vô cùng khó, những bạn bè cùng học với tôi trong lớp học sử thi do cha tôi đứng lớp ít người có thể hát được”, Thị Mai tâm sự.

Mang theo trăn trở của người cha trước lúc mất, Thị Mai cho biết điều mà chị muốn làm trong thời gian tới là mong muốn Nhà nước, các cấp các ngành quan tâm mở các lớp dạy sử thi cho con em địa phương trước khi một thế hệ biết hát kể sử thi còn sống về với ông bà. “Tôi ao ước, mong muốn là làm sao có một lớp học sử thi tại địa phương để có thể đứng lớp truyền dạy cho các em, các cháu biết kể sử thi. Đó cũng là hoàn thành tâm nguyện của cha tôi trước khi mất”, Thị Mai chan chứa.
 

Sử thi trước đây thường được gọi là Trường ca, Anh hùng ca. Một thể loại tự sự dân gian truyền miệng, cho tới nay vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của người dân. L. Sabatier thường được nhắc đến với việc lần đầu tiên ông sưu tầm và công bố Khan Đăm Xăn (1927) và sau đó dịch sang tiếng Pháp. Tiếp sau Khan Đăm Xăn, năm 1955, Antomarchi đã công bố Khan Đăm Di. Đối với người Mơ Nông, trước kia, người ta hát kể Ot Ndrong (Sử thi theo cách gọi của người Mơ Nông) trong các dịp lễ hội, lúc nông nhàn, tiếp đãi khách quý, trong các buổi tối.

Viết Hảo