1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dồn lực tái thiết kinh tế miền Trung sau bão lũ lịch sử

Đăng Đức

(Dân trí) - Sau ảnh hưởng nặng nề do thiên tai ở miền Trung, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nêu 4 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế: phục hồi nhanh đời sống người dân, môi trường, khôi phục thiết chế hạ tầng và sản xuất…

Thiệt hại kinh tế do thiên tai ước tính 30 nghìn tỷ

Từ giữa tháng 9 đến nay, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với quy mô lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tình trạng "bão chồng bão", "lũ chồng lũ" chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân.

Khắc phục bồi lấp sau lũ, chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân
Dồn lực tái thiết kinh tế miền Trung sau bão lũ lịch sử - 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra công tác cải tạo đồng ruộng sau bão lũ.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, bão lũ khiến 249 người chết và mất tích (192 người chết, 57 người mất tích); về nhà ở có hơn 1.500 nhà bị sập, gần 240.000 nhà bị hư hại, tốc mái.

Về nông nghiệp, gần 50.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, hơn 40.000 con gia súc và hơn 3.600 ngàn gia cầm chết và bị cuốn trôi.

Bão lũ cũng khiến 800 km đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hơn 200 km bờ biển, bờ sông bị sạt lở… Ước tính thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra khoảng hơn 30 ngàn tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT báo cáo, nhằm hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng do thiên tai, Chính phủ đã xuất cấp hơn 15.800 tấn gạo cùng các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân. Bộ đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, Bộ cũng hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại để giúp người dân 4 tỉnh.

Dồn lực tái thiết kinh tế miền Trung sau bão lũ lịch sử - 2

Bộ NN&PTNT hỗ trợ cá giống cho Quảng Trị.

Bộ NN&PTNT cũng kêu gọi hỗ trợ về tôm giống, cá giống, hỗ trợ vắc xin, chế phẩm xử lý môi trường…

Bộ trưởng nêu 4 nhóm giải pháp nhằm phục hồi kinh tế

Cùng với các giải pháp ứng phó, hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh miền Trung đã triển khai, thời gian tới, thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn... sẽ là những yêu cầu cấp thiết, nhất là từ nay đến tết Nguyên đán.

Theo Bộ NN&PTNT, quan điểm trong công tác khôi phục sản xuất thời gian tới, trên hết phải không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt. Tạo mọi nguồn lực để người dân sớm ổn định sản xuất, trong đó tập trung cho sản xuất những sản phẩm cần thiết phục vụ kịp thời ngay trước và trong dịp tết Nguyên đán.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra các dịch bệnh trong chăn nuôi, thủy sản, trong đó cần tập trung cho khử trùng và xử lý môi trường chăn nuôi...

Dồn lực tái thiết kinh tế miền Trung sau bão lũ lịch sử - 3

Rau được xem là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả cho nông dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sau các đợt thiên tai, hiện đang tập trung quyết liệt các nhóm giải pháp để phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế và đời sống nhân dân. Chính phủ và Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc phục hồi ngay sản xuất.

Bộ trưởng đã nêu 4 nhóm giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau bão lũ: phục hồi nhanh đời sống người dân, phục hồi môi trường, không để dịch bệnh xảy ra, đưa các loại thuốc vào tập trung xử lý môi trường các địa phương; khôi phục thiết chế hạ tầng gồm giao thông, công trình điện và các thiết chế hạ tầng khác và sản xuất…

Dồn lực tái thiết kinh tế miền Trung sau bão lũ lịch sử - 4

Công tác cải tạo đồng ruộng, kênh mương sau lũ được chú trọng

Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, trong phục hồi sản xuất có việc phục hồi nông nghiệp. Trong đó, có những nhóm lớn là tạo sinh kế trước mắt từ nay đến Tết bằng các sinh kế trồng trọt; phục hồi chăn nuôi ngắn ngày bằng các giống gia cầm, gia súc; tập trung phục hồi các thiết chế công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng, giải phóng mặt bằng đồng ruộng bị bồi lấp trong đợt mưa lũ vừa qua để sản xuất vụ Đông - Xuân. Chuẩn bị giống tốt nhất và vật tư để bà con tổ chức sản xuất, để lấy vụ sản xuất tới bù đắp vào những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết một số vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đã bộc lộ sau đợt thiên tai vừa qua.