1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Đôi vợ chồng suýt mất con gái khi vượt biên sang Trung Quốc lao động “chui”

(Dân trí) - Anh Thanh nhớ lại kí ức kinh hoàng, đó là vào năm 2015, con gái anh đã bị một nhóm người bắt cóc và đòi một khoản tiền chuộc lớn. Vì thân phận cư trú trái phép, không được pháp luật Trung Quốc bảo vệ nên gia đình anh buộc phải trả cho nhóm người trên 200 triệu đồng để đón con gái về.

Gia tăng tình trạng người dân đi Trung Quốc lao động “chui”

Những năm gần đây, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân không có việc làm, trong khi phía Trung Quốc có nhu cầu tuyển dụng người làm cho các gia đình và doanh nghiệp tư nhân với mức lương chào mời cao nên nhiều người đã không ngần ngại khăn gói lên đường vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm giấc mộng đổi đời. Ngoài việc được mời chào với mức lương cao, việc vượt biên cũng dễ dàng nên càng ngày số lượng người sang Trung Quốc lao động “chui” càng tăng.

Theo tìm hiểu, người lao động Việt Nam muốn vượt biên qua Trung Quốc làm việc chủ yếu đi theo 4 cửa khẩu chính: Cửa khẩu Chima - Lạng Sơn, Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai. Trong đó, đi nhiều nhất là 2 cửa khẩu Chima (Lạng Sơn) và Móng Cái.

Nếu muốn qua Trung Quốc làm việc, người đi chỉ phải bỏ ra 1.000 - 1.500 nhân dân tệ, tính theo tiền Việt Nam khoảng 3-4 triệu đồng cho môi giới. Khi vượt qua được cửa khẩu trót lọt, người lao động được môi giới bên phía Trung Quốc đưa đến các xưởng làm việc, và tất nhiên những người lao động sẽ chẳng biết nơi mình làm việc ở đâu.

Theo số liệu của công an tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 8/2/2018, đã có 74 người Thanh Hóa xuất cảnh đi Trung Quốc lao động trái phép trở về địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn lại 1833 người chưa trở về.

Được biết, những người trong số này đều không có công ăn việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có một số người đang lao động tại Trung Quốc trở về quê ăn Tết, khi đi đã rủ thêm anh em, bạn bè, người thân.

Mặc dù được tuyên truyền, vận động nhưng nhiều năm nay tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc vẫn diễn ra.
Mặc dù được tuyên truyền, vận động nhưng nhiều năm nay tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc vẫn diễn ra.

Từ đầu năm 2018 đến nay, rất nhiều vụ bị công an bắt giữ như vào đầu tháng 2/2018, công an huyện Tĩnh Gia đã bắt và khởi tố đối tượng Nguyễn Văn Hoằng (SN 1968), trú ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia về hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 26/2, công an huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã phát hiện và ngăn chặn 10 công dân xã Quảng Nham đang chuẩn bị lên xe khách chạy tuyến TP Vinh – Lạng Sơn để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động "chui".

Hay vụ ngày 12/3, công an huyện Hậu Lộc phát hiện, bắt giữ đối tượng Phạm Văn Hùng (SN 1996, ở xã Hưng Lộc) về hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Hùng là đối tượng liên tiếp 2 năm về quê ăn Tết, tranh thủ đưa người sang Trung Quốc lao động “chui”.

Mới đây nhất là vào ngày 13/3, Công an huyện Thạch Thành đã bắt giữ chiếc xe khách chở 26 người đang trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động “chui”. Công an điều tra và bắt giữ Hoàng Huy Tuấn (SN 1983, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành) là đối tượng sau khi về quê ăn Tết đã lôi kéo tổ chức cho 26 người này sang Trung Quốc làm thuê.

Bị lừa tiền, bị bóc lột sức lao động...

Phải sống chui lủi với nỗi lo công an truy quét, đau ốm không dám đi bệnh viện, bị đánh đập, quỵt tiền lương, không giấy tờ nên chưa thể về nhà... là những nỗi trái ngang mà những người đang lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc phải gánh chịu. Thậm chí không ít người bỏ mạng vì tai nạn lao động, ốm đau, hoặc chết mà không rõ lý do.

Anh Lô Văn Sơn, ở huyện Như Thanh (Thanh Hóa), người từng đi lao động ở Trung Quốc trở về cho biết, hành trình vượt biên trái phép sang Trung Quốc vô cùng gian nan và nguy hiểm. Nhờ có người quen ở bên đó, chỉ cần ra đến Móng Cái (Quảng Ninh) là họ sẽ dẫn đường cho anh đi. Mất cho họ một số tiền, tổng chi phí để anh Sơn sang được bên kia là khoảng 4 triệu đồng.

“Tôi từng làm thợ hồ và bốc vác, tiền công thì cao hơn ở Việt Nam thật nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do mình làm chui nên không được pháp luật nước họ bảo vệ, có khi bị lừa tiền, bóc lột sức lao động, bị tai nạn lao động hay bị đánh đập cũng không biết kêu ai. Vì thế nên tôi không làm nữa, giờ về quê làm thợ xây, được gần gia đình vẫn thoải mái hơn” - anh Sơn chia sẻ.

Vẫn biết sang Trung Quốc lao động chui như một canh bạc nhưng rất nhiều người vẫn bất chấp tất cả để đi mong được đổi đời.
Vẫn biết sang Trung Quốc lao động "chui" như một canh bạc nhưng rất nhiều người vẫn bất chấp tất cả để đi mong được đổi đời.

Anh Đồng Văn Thanh, ở thôn Hưng Bắc, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vừa trở về từ Trung Quốc trước Tết Nguyên Đán 2018. Năm 2014, theo chân nhiều người dân xã Hưng Lộc khác, anh Thanh đưa vợ và con gái xuất cảnh đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Sau 3 năm bôn ba xứ người, anh phải đưa vợ con hồi hương bởi gặp phải nhiều rủi ro tại nước bạn.

Anh Thanh nhớ lại kí ức kinh hoàng, đó là vào năm 2015, con gái anh đã bị một nhóm người bắt cóc và đòi một khoản tiền chuộc lớn. Vì thân phận cư trú trái phép, không được pháp luật Trung Quốc bảo vệ nên gia đình anh buộc phải trả cho nhóm người trên 200 triệu đồng để đón con gái về.

Sau biến cố đó, gia đình suy sụp, 2 vợ chồng nóng lòng muốn trở về quê hương. Tháng 12/2017, anh Thanh quyết định đưa vợ và con gái rời Trung Quốc về quê và từ bỏ hẳn ý định quay trở lại đây lao động "chui".

Anh Thanh cho biết, dự tính của anh là sẽ về quê đi biển, tiền công cũng tương đương mà vẫn được về thăm vợ con, được sống trên mảnh đất quê mình.

Dù biết xuất cảnh lao động trái phép giống như trò đánh bạc, nhưng có rất nhiều người dân vẫn bất chấp tất cả để đi. Có lẽ khi nào bài toán về giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, giúp họ có thu nhập chính đáng, ổn định chưa làm được thì tình trạng người dân sang Trung Quốc lao động “chui” vẫn chưa thể chấm dứt.

Nguyễn Thùy