Dời Trung tâm hành chính: Không phải vì... thiếu oxy
(Dân trí) - Ông Trần Đình Quỳnh – Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết việc di dời Trung tâm hành chính là định hướng lâu dài chứ không phải nói chuyển là chuyển và không phải vì thiếu oxy mà di dời.
Tòa nhà giống cái ly úp lại
Chia sẻ với PV Dân trí, không ít cán bộ công chức, viên chức làm việc trong tòa nhà Trung tâm hành chính (TTHC) Đà Nẵng cho biết việc cảm thấy ngột ngạt khi làm việc lâu trong toàn nhà là có thật. Và nhiều người có tâm lý e ngại cảm giác thiếu không khí sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài. Ngoài ra, cũng có nhiều người e ngại khi làm việc trong tòa nhà cao tầng.
Anh V., một cán bộ làm việc tại một tầng khá cao ở tòa nhà, cho biết việc di dời tòa nhà TTHC mới đưa ra tại cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố và bắt đầu được dư luận quan tâm. Nhưng việc này đã được nói đến từ lâu, xuất phát từ phản ánh tâm lý e ngại của cán bộ công chức, viên chức làm việc trong tòa nhà.
“Chẳng hạn như tôi, thực tế tôi và các đồng nghiệp cảm thấy khó chịu, cảm giác như thiếu không khí khi ngồi làm việc cả ngày trong tòa nhà. Có ai đó nói, thiếu không khí sao không mở cửa sổ ra là chưa biết thực tế kiến trúc tòa nhà. Thực tế tòa nhà tưởng tượng như một cái ly úp lại, khí tươi có bơm vào cũng luẩn quẩn ở trong đó”. Anh V. nói.
Anh T., cán bộ làm ở một Sở khác cũng chia sẻ: “Lâu nay anh em vẫn nói với nhau cảm giác thiếu khí tươi, khí sạch với cùng những e ngại khi làm việc trong tòa nhà cao tầng, khép kín. Hàng ngàn người làm việc như vậy thì khả năng lây truyền bệnh qua đường hô hấp khi có dịch sẽ cao hơn. Rồi anh em cũng ngại tòa nhà quá cao khi không may có sự cố như hỏa hoạn, khó giữ được bình tĩnh cho hàng ngàn người như thế khi chạy thoát hiểm...”.
Anh T cũng cho biết, đã nghe nhiều anh chị em làm việc ở các tầng cao trong tòa nhà phản ánh cảm thấy khó chịu, ngột ngạt nhưng có thể do tâm lý e ngại của mọi người. Còn khi đo đạc, lực lượng chuyên môn lại nói là đảm bảo không thiếu không khí.
Ở cương vị một người dân, khi được hỏi ý kiến về việc di dời TTHC, anh T. nói có thể chuyển tòa nhà này cho doanh nghiệp để đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng và lấy nguồn tiền từ đó để đầu tư xây dựng một TTHC có mô hình hợp lý hơn, như khu TTHC của tỉnh Bình Dương.
Trong khi đó, anh H., cán bộ ở một Sở khác cho biết, cá nhân anh vẫn thấy bình thường, không khó chịu khi làm việc tại đây. Tuy nhiên, theo anh H., việc di dời hay không có nhiều vấn đề cần cân đối.
“Nếu như di dời có lợi thì nên di dời. Đặt giả thiết là nếu có doanh nghiệp muốn vào đó phát triển kinh tế ở vị trí này, làm giàu cho thành phố thì cũng nên xem xét. TTHC không nhất thiết phải nằm ở vị trí “đất vàng” này”, anh H nói.
Anh H. cũng cho biết, lý do thiếu oxy chỉ là một trong ý nhỏ mà lãnh đạo phát biểu thôi.
Theo ông Hoàng Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng ,công trình này là loại tòa nhà thiết kế dạng khối tròn nên có nhiều bất lợi cho người làm việc bên trong. Khi có sự cố thì không thể thoát hiểm được.
Phải tính toán kỹ chứ không phải vội vàng
Ông Phan Văn Kỉnh – Chủ tịch Hội khyến học phường Mân Thái (quận Sơn Trà), cho rằng việc di dời TTHC là một việc trong đại nên cần phải nghiên cứu kỹ. Nếu mà không phù hợp thì cũng có thể thay đổi. Tuy nhiên cái đó phải xin ý kiến trung ương. Còn nói về ý kiến của người dân thì phải theo trình độ nhận thức của mỗi người.
Theo ông Kỉnh, sau này thành phố cũng nên tìm một khu đất thật rộng để làm TTHC. TTHC này phải mát mẻ, khoảng 5 – 7 tầng; các sở, ngành cũng được chia ra từng tòa nhà chứ không nên tập trung vào một tòa.
“Mỗi lần tôi đến Văn phòng UBND TP để giao dịch, đi xuống tầng hầm (để xe –PV) thấy rất là ngột ngạt, không muốn vào. Chắc là do tôi không quen nên rất khó chịu”, ông Kỉnh nói.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, cũng cho rằng, bất kỳ vấn đề nào cũng phải họp hành, tổng kết, rút kinh nghiệm khi đã có thực tiễn xem người dân thấy tổ chức trung tâm hành chính như vậy có gần gũi hơn không, vận hành có tốt không? Những nội dung đánh giá đó phải công khai, minh bạch. Khi đã tổng kết rồi mà thấy sai lầm thì có biện pháp giải quyết sai lầm đó.
Ông Nguyễn Cửu Loan – Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển TP Đà Nẵng nhận xét, về việc dời khỏi toà nhà, ông mới chỉ nghe thông tin nói về lý do công trình thiết kế bất hợp lý, thiếu oxy để thở, gây ùn tắc giao thông nhưng chưa nghe nói đưa ra giải pháp gì để giải quyết vấn đề này.
“Vấn đề này các cấp chính quyền, lãnh đạo cần phải tính toán lại. Bởi số vốn đó quá lớn và đặc biệt hiện nay Đà Nẵng đang thiếu vốn đầu tư rất nhiều công trình. Không phải vì nghe ảnh hưởng giao thông, thiếu oxy mà di dời. Cần phải tính toán lại”, ông Cửu Loan nói.
Trao đổi về vấn đề này, Ông Trần Đình Quỳnh – Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho hay đây là định hướng lâu dài chứ không phải nói chuyển là chuyển được và không phải vì thiếu oxy mà di chuyển.
“Tình trạng nóng, thiếu không khí trong toà nhà có xảy ra ở một số thời điểm, ở những phòng họp đông người. Hiện thành phố đã có chủ trương giao Sở Xây dựng tính hướng khắc phục, hồ sơ thiết kế xong rồi và sắp tới sẽ triển khai thi công để giải quyết vấn đề đó, có hệ thống để đảm bảo không khí. Còn chuyện đi hay ở là chuyện lâu dài”, ông Quỳnh thông tin.
Khánh Hồng – Khánh Hiền