TPHCM:
Đối thoại Thủ Thiêm: Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
(Dân trí) - Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, UBND TPHCM đang đối thoại với người dân 5 khu phố thuộc 3 phường về khiếu nại phần đất nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2), sau nhiều lần trì hoãn.
Chiều 27/11, Thanh tra Chính phủ cùng UBND TPHCM đối thoại với người dân thuộc 5 khu phố 3 phường (An Khánh, Bình Khánh, Bình An) về khiếu nại phần đất 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chứ không phải chỉ 4,3ha như kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó.
Chủ trì buổi đối thoại có ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM và ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp Công dân Trung ương.
Ông Đặng Công Huẩn cho biết, đáng lẽ cuộc đối thoại diễn ra sớm hơn nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên chưa tổ chức được. Cuộc đối thoại nhằm xác định phần đất 5 khu phố thuộc 3 phường là trong hay ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo ông Huẩn, buổi đối thoại hôm nay dự kiến gồm tổ công tác báo cáo dự thảo kết quả kiểm tra rà soát khiếu nại về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; kiến nghị của bà con; sau đó các bộ, ngành, UBND TP ý kiến và sau cùng là đại diện Thanh tra Chính phủ kết luận.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị bà con phát biểu ngắn gọn, đầy đủ, tập trung vào ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong ranh hay ngoài ranh?
Ông Đinh Đăng Lập - Thanh tra viên cao cấp - Tổ trưởng tổ kiểm tra đọc dự thảo báo cáo kiểm tra, rà soát liên quan đến khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Theo Thanh tra Chính phủ, người dân khiếu nại vì không nhất trí với kết luận của Thanh tra Chính phủ tại thông báo 1483 ngày 4/9/2018, trong đó có nội dung: không chỉ có khu 4,3ha nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà người dân cho rằng cả 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch.
Kết quả kiểm tra, trong quá trình kiểm tra rà soát, Thanh tra Chính phủ được UBND TPHCM cung cấp một số bản đồ về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có bản đồ ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM lưu giữ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bản đồ này được kèm theo văn bản trình duyệt để Thủ tướng ban hành quyết định 367 năm 1996 mà thời kỳ làm Phó Chủ tịch UBND TP, ông Thanh đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và còn giữ 1 bộ. Qua nghiên cứu, đối chiếu bản đồ ông Thanh cung cấp và 2 bản đồ UBND TP cung cấp thì trùng khớp nhau về ranh quy hoạch.
"Từ đó có thể khẳng định rằng, xác định ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại thông báo 1483 ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ, theo đó chỉ ra 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định 367 ngày 4/6/1996 về phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm là đúng quy định và thực tế", ông Lập nói.
Cũng theo tổ trưởng tổ công tác, qua kiểm tra, rà soát đã xác định vị trí, ranh giới, số thửa đất của các hộ dân đang khiếu nại thuộc 5 khu phố nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Do đó, việc người dân khiếu nại phần đất mình nằm ngoài ranh là không có cơ sở để giải quyết theo quy định.
Sau phần báo cáo của ông Đinh Đức Lập, đại diện người dân Thủ Thiêm tiếp tục trình bày các ý kiến.
"Câu chuyện ở đây liên quan đến bản đồ"
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, thông báo 1483 về kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng cho ý kiến là cơ sở pháp lý triển khai các việc sau kết luận thanh tra. Người dân khiếu nại về 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh, do đó Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để xem ngoài 4,3ha thì còn khu nào nằm ngoài ranh.
Thành phố tiếp nhận đơn người dân và tổ kiểm tra đã kiểm tra làm và xác định ranh. Nếu người dân có gì mới thì cung cấp thêm.
Trong khi đó, ông Hoàng Minh Công, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, ông tham dự buổi đối thoại là để lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông cũng theo dõi để cùng cơ quan Nhà nước tháo gỡ nỗi khổ bà con mấy chục năm nay.
Theo ông, câu chuyện ở đây liên quan đến bản đồ. Bản đồ mà Thanh tra Chính phủ sử dụng để xác định ranh là có tính hợp lệ, hợp lý. Người dân không đồng ý nhưng cũng không có bản đồ khác đưa ra để so sánh, đối chiếu.
"Cuộc đối thoại là lắng nghe nhau, bà con trao đổi lại tổ công tác liên ngành. Với tâm thế khi xác minh là giải quyết cho người dân, lấy lẽ công bằng theo đúng quy định pháp luật. Về phần bà con, thấy có tài liệu thì mong tiếp tục cung cấp cho tổ công tác để làm sao giải quyết sớm nhất", ông Công nói.