1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đổi tên cầu Nhật Tân: Dân Phú Thượng ủng hộ, dân Nhật Tân nuối tiếc!

(Dân trí) - Mang tên phường Nhật Tân - địa danh nức tiếng về nghề trồng hoa đào, nhưng cây cầu Nhật Tân lại nằm hoàn toàn trên đất phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Vì vậy, việc đặt tên cầu từ lâu đã trở thành đề tài “thời sự” tại 2 phường này.

“Đổi tên cầu thấy buồn lắm!”

 

Trước đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, hầu hết người dân trên địa bàn phường Nhật Tân khi được hỏi đều tỏ ý không tán thành. Tuy nhiên, nhiều người dân phường này cùng bày tỏ, nếu việc đổi tên cầu là chủ trương của nhà nước thì họ sẵn sàng ủng hộ.

 

Bà Nguyễn Thị Hữu Đức (58 tuổi, ở phố Nhật Chiêu, phường Nhật Tân) cho biết: “Cá nhân tôi không đồng ý với việc đổi tên  cầu Nhật Tân thành cầu Hữu Nghị Việt - Nhật, mặc dù đổi tên cầu như vậy là rất ý nghĩa cho tình hữu nghị 2 nước. Cái tên cầu Nhật Tân đã gắn vào tiềm thức và kỷ niệm của người dân nơi đây, giờ đổi tên đi thấy buồn lắm”.
 
Việc đặt tên cầu Nhật Tân là vấn đề thời sự nóng bỏng của người dân 2 phường Phú Thượng, Nhật Tân


Việc đặt tên cầu Nhật Tân là vấn đề thời sự nóng bỏng của người dân 2 phường Phú Thượng, Nhật Tân

Việc đặt tên cầu Nhật Tân là vấn đề "thời sự nóng bỏng" của người dân 2 phường Phú Thượng, Nhật Tân

 

Cùng quan điểm với bà Đức, anh Vũ Quang Đức (37 tuổi) cho biết, anh cũng rất muốn giữ nguyên tên cầu Nhật Tân, vì nó mang tên làng Nhật Tân xưa và nay là phường Nhật Tân, rất ý nghĩa với người dân địa phương...

 

Ông Nguyễn Văn Cường (đường Lạc Long Quân) cho rằng, người dân nơi đây đã quen gọi tên cầu Nhật Tân rồi, nếu có đổi tên thành cầu gì đi nữa thì cũng khó làm người dân thay đổi cách gọi.

 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch phụ trách văn xã UBND phường Nhật Tân nêu quan điểm, bản thân ông là người gốc phường Nhật Tân, ông thấy cái tên Nhật Tân - “ngày mới” rất có ý nghĩa.

 

Cây cầu mang tên Nhật Tân nhưng lại nằm hoàn toàn trên phần đất của phường  Phú Thượng, nên đã có rất nhiều cuộc tranh luận của người dân tại 2 phường về việc đặt tên cầu. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, mời cả các giáo sư, nhà nghiên cứu về tham gia cho việc quyết định đặt tên cầu là cầu Nhật Tân hay gọi là cầu Phú Thượng.

 

Ông Trường cho biết, từ khi bắt đầu có dự án làm cầu, người dân và cả các nhà thầu đã quen gọi là cầu Nhật Tân. Tên gọi cầu Nhật Tân cũng từ đó mà hình thành và ăn sâu vào tiềm thức của người dân chứ phường Nhật Tân cũng không xin ý kiến hay chủ trương của lãnh đạo để đặt tên cho cây cầu này.
 

Trao đổi về việc đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật, ông Trường thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân cho rằng, ông không ủng hộ việc đổi tên cầu Nhật Tân, vì như vậy sẽ không giữ được bản sắc văn hóa mang tên Nhật Tân. Trước kia khi Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long cũng đặt tên là cầu Hữu nghị Việt - Xô, nhưng đến giờ người dân vẫn quen gọi là cầu Thăng Long chứ có thấy ai gọi là cầu Hữu nghị Việt – Xô bao giờ?

 

Quan điểm cá nhân là vậy, nhưng trên cương vị lãnh đạo phường, ông sẽ ủng hộ việc đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật, nếu đó là chủ trương chung của nhà nước.

 

Phường Phú Thượng nhất trí!

 

Trái lại ý kiến của người dân Nhật Tân, trao đổi với phóng viên Dân trí, người dân phường Phú Thượng lại hoàn toàn ủng hộ việc đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật.

 

Ông Mai Thanh Bình (53 tuổi) cho biết: “Tôi rất ủng hộ việc đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu Nghị Việt  - Nhật. Theo tôi nó rất ý nghĩa cho mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản. Hơn nữa, cây cầu này nằm trên địa phận đất Phú Thượng mà lại lấy tên là Nhật Tân rất vô lý, trước đây chúng tôi đấu tranh mãi mà không được. Nay lấy tên Hữu nghị Việt - Nhật là hợp với lòng dân”.

 

Chị Đỗ Hồng Yến (47 tuổi) cũng bày tỏ sự nhất trí đổi tên cầu, vì cái tên Hữu Nghị Việt - Nhật theo chị mang tầm quốc gia, đại diện cho cái chung của một đất nước chứ không phải là một địa danh nhỏ hẹp.
 
Chị Đỗ Hồng Yến: Cái tên Hữu Nghị Việt - Nhật mang tầm quốc gia.
Chị Đỗ Hồng Yến: Cái tên Hữu Nghị Việt - Nhật mang tầm quốc gia.

 

Theo bà Hoàng Thị Nhuần (55 tuổi), cây cầu mang tên Nhật Tân ngay từ đầu đã không được người dân Phú Thượng ủng hộ. Hai phường đã họp nhiều lần nhưng vẫn chưa thống nhất. Nay đổi tên cầu là hợp lý.

 

Ông Nguyễn Lê Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, cho biết, phường đã khảo sát ý kiến nhân dân và một số đoàn thể trên địa bàn, tất cả đều nhất trí ủng hộ việc đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật.

 

Ngày 25/8, ngài Hiroshi Fukada - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đề xuất với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về việc đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật; nhằm đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

 

Ngày 27/8, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội - khi đi kiểm tra tiến độ thi công cầu Nhật Tân, đã cho biết việc đổi tên cần phải tuân thủ đúng quy trình và phải trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua.
 

Cầu Nhật Tân được khởi công vào tháng 3/2009 với tổng số vốn đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, từ nguồn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam.

 

Tổng chiều dài của dự án cầu Nhật Tân là 8,95km với quy mô 8 làn xe chạy, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2km, mặt cắt ngang rộng 33,2m. Đến nay, phần lớn hạng mục dự án xây dựng cầu Nhật Tân đã hoàn thành.

  

Tuấn Hợp - Nguyễn Dương