Đổi mới, nâng cao chất lượng, uy tín của tòa án nhân dân
(Dân trí) - Tòa án nhân dân tối cao đang chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật Tổ chức TAND để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND.
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 154 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều.
Theo đó, dự thảo luật bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho tòa án là giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật; giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử.
Theo Ban soạn thảo, việc quy định như trên không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan Nhà nước khác.
Tòa án chỉ xử lý vi phạm hành chính trong 4 trường hợp đang được luật quy định và sẽ mở rộng thẩm quyền thực hiện thêm nhiệm vụ khác khi được Quốc hội giao trong luật, bảo đảm tính khả thi và nguồn lực hiện nay của Tòa án.
Đây là nhiệm vụ mà tất cả các hội đồng xét xử đang thực hiện từ trước đến nay khi xét xử các vụ án. Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của hội đồng xét xử thực chất là giải thích, làm rõ trong bản án lý do áp dụng điều luật cụ thể trong hoàn cảnh, tình huống của vụ án.
Quy định này không trùng lấn, không xung đột với thẩm quyền giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiệm vụ này có nội dung hoàn toàn khác với thẩm quyền áp dụng pháp luật của các chủ thể khác.
Dự thảo luật cũng quy định rõ về đơn vị giúp việc cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao gồm các vụ và tương đương.
Quy định như dự thảo luật tương thích với tổ chức bộ máy giúp việc của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao hiện nay.
Dự thảo cũng đã đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử.
Trong đó, quy định tổ chức TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện.
Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung quy định trong hệ thống tòa án có các TAND sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù, thể chế hóa chủ trương được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng tòa án chuyên nghiệp.
Dự thảo luật cũng đổi mới quy định về ngạch, bậc thẩm phán TAND nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho thẩm phán, nâng cao niềm tin của người dân đối với cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
Đồng thời cũng khuyến khích thẩm phán chuyên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia có trình độ cao.
Về tiêu chuẩn, dự thảo bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán TAND tối cao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành.
Dự thảo bổ sung quy định người có đủ các tiêu chuẩn sau thì được bổ nhiệm vào ngạch thư ký Tòa án như: Có trình độ cử nhân luật trở lên; được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án; được tuyển dụng vào Tòa án.
Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm thẩm phán, xem xét giải quyết các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các TAND; bảo vệ thẩm phán…