1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Độc đáo xứ dừa phụ nữ làm thợ mộc

(Dân trí) - Ở tỉnh Bến Tre có làng mộc truyền thống ra đời hàng trăm năm, điều đặc biệt, nữ thợ mộc tham gia vào việc nặng nhọc để làm ra những chiếc bàn ghế, giường bằng gỗ không thua kém gì cánh đàn ông.

Làng mộc Tiên Tây Vàm bên bờ sông Hàm Luông thuộc ấp Tiên Tây Vàm (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) ra đời hàng trăm năm chuyên làm ra những sản phẩm bằng gỗ cung ứng cho khắp nơi trong khu vực. Ban đầu chỉ có cánh đàn ông làm thợ mộc vì công việc cưa, xẻ gỗ khá nặng nhọc nhưng một thời gian sau những người vợ theo chồng đỡ đần công việc rồi trở thành thợ chính hồi nào không hay.

Bà Vân với công việc cưa gỗ vất vả
Bà Vân với công việc cưa gỗ vất vả

Cách đây gần 30 năm, bà Tạ Thị Thu Vân (SN 1962) lấy chồng về xứ Tiên Tây Vàm rồi bắt đầu học nghề thợ mộc truyền thống của gia đình nhà chồng. Lúc đó nghề thợ mộc chỉ làm thủ công ở tất cả các công đoạn như cưa, đục, bào… để làm ra sản phẩm.

Bà Vân kể lại: “Lúc đó không có nghề nghiệp gì cả nên khi chồng làm thợ mộc thì theo phụ những công việc lặt vặt lâu dần rồi trở thành thợ chính luôn. Nghề thợ mộc khi đó khó khăn, vất vả trăm bề đặc biệt đối với phụ nữ chân yếu tay mềm. Nhờ có chồng luôn kề bên nên những việc nặng nhọc như cưa, khiêng vác gồ cần sức khỏe đều được phụ giúp nên tôi mới theo nghề tới nay”. Bây giờ hầu hết những công đoạn để biến những khúc gỗ thành các sản phẩm như: cưa, bào… đều được chị em phụ nữ ở đây làm thuần thục chẳng thua kém gì cánh đàn ông có sức khỏe tốt.

Đến làng mộc Tiên Tây Vàm sẽ dễ dàng nhận biết bởi những tiếng cưa, bào bằng máy inh ỏi khắp nơi. Ở các cơ sở sản xuất hay những hộ gia đình làm nghề thợ mộc đều có 2 vợ chồng cùng làm nên người ta hay gọi vui là làng thợ mộc có đôi có cặp hay làng thợ mộc vợ chồng. Bà Đặng Thị Hồng Nga có thâm niên 25 năm trong nghề cho biết: “Lúc đầu thấy công việc nặng nhọc cũng sợ nhưng về làm dâu xứ này nghèo khổ, không có việc làm nên thấy ở đây chỉ có mỗi nghề mộc nên mới chọn nghề này. Vậy mà từ từ cũng quen, giờ làm thuần thục chẳng cần ai chỉ bảo như trước”.

Nữ thợ mộc đang hoàn tất công đoạn cuối cùng
của chiếc giường
Nữ thợ mộc đang hoàn tất công đoạn cuối cùng của chiếc giường

Ở làng mộc này chỉ chuyên đóng ghế, bàn, giường bằng những loại gỗ tạp sẵn có ở địa phương như: mít, mù u, tràm bông vàng… nên giá thành tương đối rẻ, phù hợp với túi tiền của giới bình dân. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, SN 1970, cho biết: “Sau khi mua gỗ về đến trại cưa xẻ ra xong sẽ chuyển về nhà để 2 vợ chồng sẽ cùng làm. Khi được khoảng vài chục chiếc giường, bàn ghế sẽ đưa xuống ghe để đi bán dạo khắp nơi từ vùng Đồng Tháp, Tiền Giang đến vùng ven biển của Bến Tre, Trà Vinh. Lúc nào bán hết lại về nhà mua gỗ đóng xong lại đi bán tiếp”.

Do gỗ tạp nên ở đây mỗi chiếc giường, bàn chỉ có giá vài trăm ngàn và cao nhất chỉ hơn 1 triệu đồng. Theo chị Hiệp, mấy năm nay vùng nuôi tôm ở các huyện ven biển nhu cầu sử dụng giường khá lớn chủ yếu trong các chòi, trại canh giữ tôm nên dân làng nghề làm ra sản phẩm bán khá chạy. Một số hộ dân không đi bán dạo như trước mà có thương lái đến tận nơi lấy hàng rất tiện lợi.

Ông Phương bên chiếc
máy cưa được tổ chức IFAD hỗ trợ giúp rất nhiều cho người dân trong làng mộc

Ông Phương bên chiếc máy cưa được tổ chức IFAD hỗ trợ giúp rất nhiều cho người dân trong làng mộc

 Mấy năm nay ở làng mộc Tiên Tây Vàm đã thành lập nhóm hợp tác nghề mộc để những hộ dân theo nghề giúp đỡ nhau trong sản xuất. Ông Lê Văn Phương, Trưởng nhóm nghề mộc xã Tiên Thủy cho biết: “Nhóm hiện nay có 7 hộ gia đình với 14 lao động là những cặp vợ chồng trong ấp chuyên làm nghề mộc từ lâu đời. Nhờ thành lập nhóm nên những hộ gia đình đã có sự hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất từ thu mua nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm”.

Theo ông Phương, năm 2013 tổ chức IFAD (Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế) hỗ trợ cho nhóm sản xuất máy cưa với giá trị hơn 97 triệu đồng để những hộ gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ đỡ vất vả trong việc cưa, xẻ gỗ. Có được chiếc máy này những thành viên trong nhóm được giảm đến 50% chi phí cưa xẻ gỗ nên giảm giá thành sản xuất, lợi nhuận được tăng lên đáng kể.

Chị em phụ nữ ở làng mộc Tiên Tây Vàm phải chịu nhiều cực nhọc, phải vượt qua bao khó khăn trong cơ chế thị trường để bám lấy nghề truyền thống. Hằng ngày những người phụ nữ chân yếu tay mềm cùng chồng mưu sinh bên những máy cưa, đục, bào… cùng những tiếng ầm ầm đinh tai lẽ ra chỉ thuộc cánh đàn ông khiến nhiều người mới gặp không khỏi trầm trồ.

Minh Giang