1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thanh Hóa:

“Độc chiêu” quăng lưới bắt... “quái xế” của CSGT

(Dân trí) - Hơn một tháng qua, Công an TP Thanh Hóa sử dụng “độc chiêu” dùng lưới đánh cá để... vây bắt “quái xế”. Hàng trăm người vi phạm có ý định bỏ chạy đã “sa lưới”. Có nhiều luồng dư luận trái chiều quanh sáng kiến này của Công an TP Thanh Hóa.

Tóm “quái xế” bằng lưới cá

Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo An ninh trật tự - An toàn giao thông trên địa bàn. Từ ngày 28/10/2011 đến khoảng tháng 2/2012, Công an thành phố Thanh Hóa đã tiến hành triển khai đợt ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa thường xuất hiện nhiều đối tượng đi xe máy lạng lách, đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình hình mất an ninh trật tự cũng như đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, Công an thành phố Thanh Hóa đã có nhiều phương án như: Dùng rào chắn, vây bắt, bắn sơn…, tuy nhiên các phương án trên chưa đem lại kết quả cao.

“Độc chiêu” quăng lưới bắt... “quái xế” của CSGT - 1
Dùng lưới cá tóm quái xế.

Một bộ phận đối tượng tham gia giao thông thường phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách trên đường gây nguy hiểm cho chính bản thân và người tham gia giao thông. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Công an thành phố Thanh Hóa đã nghĩ ra “độc chiêu” dùng lưới cá để vây bắt “quái xế”. Các đối tượng vi phạm luật không chấp hành hiệu lệnh dừng xe sẽ bị các chiến sĩ CSGT phối hợp cùng lực lượng dân phòng chốt chặn ở các ngã ba, ngã tư, các tuyến phố chính, dùng lưới đánh cá tung vào bánh sau xe mô tô để tóm gọn. Với “độc chiêu” này, sau khi bị dính lưới cá vào bánh sau, xe không thể chạy, các đối tượng sẽ phải dừng lại.

Trong đợt ra quân này, Công an thành phố Thanh Hóa đã huy động 166 chiến sĩ tham gia bao gồm CSGT, CSCĐ, CSTT, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ triển khai thực hiện tại 24 điểm chốt trên địa bàn và 4 tổ tuần tra trên các tuyến giao thông trọng yếu trong thành phố.

“Độc chiêu” quăng lưới bắt... “quái xế” của CSGT - 2
Những "quái xế" bị tóm.

Tính đến ngày 23/11, Đội CSGT thành phố Thanh Hóa đã phát hiện và bắt giữ hơn 1.000 đối tượng vi phạm, trong đó có hơn 1.100 trường hợp bị xử lý về lỗi không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt đã bắt và xử lý 21 trường hợp lạng lách, đánh võng.

Quá nguy hiểm cho người tham gia giao thông?

Hơn một tháng qua, người dân thành phố Thanh Hóa đã quá quen thuộc với hình ảnh lực lượng chức năng chốt chặn tung lưới vây bắt “quái xế”. Cũng có nhiều luồng dư luận trái chiều xung quanh việc này. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít người phản đối, cho rằng quá nguy hiểm.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một người dân ở phường Đông Sơn, nhận định: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhưng theo tôi đây không phải là một sáng kiến hay, nó rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vì để quăng lưới được vào đúng bánh sau của xe rất khó, các đối tượng vi phạm thường chạy rất nhanh, lại còn đánh võng nữa. Nếu vô tình quăng trúng bánh trước của xe đang chạy thì rất nguy hiểm. Cần có biện pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn tình trạng vi phạm an toàn giao thông nhưng không phải là biện pháp này”.

Còn anh Nguyễn Văn Hoàng sống tại đường Nguyễn Trãi chia sẻ: “Nhiều hôm thấy vui vui tôi cũng đứng xem các đồng chí tung lưới bắt xe vi phạm mà cứ như đi đánh cá thật. Tung lưới thì sẽ không phải lùa theo gây tai nạn, vì khi tung trúng xe sẽ chạy chậm lại và các đồng chí cảnh sát sẽ dễ dàng tóm được. Nhưng cũng rất nguy hiểm, vì thấy nhiều xe máy đang chạy với tốc độ cao mà tung không khéo là cả xe và người bổ nháo nhào liền”.

“Tôi không phản đối biện pháp này mà cũng không hoàn toàn ủng hộ. Thực tế theo dõi trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Thanh Hóa tôi thấy hiện tượng đua xe, lạng lách đánh võng đã giảm hẳn. Biện pháp nào cũng vậy, các đồng chí CSGT cũng chỉ mong đảm bảo được an toàn giao thông, nhất là vào ban ngày, các đối tượng lạng lách trên đường rất nguy hiểm cho những người đi đường”, anh Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ.

Trao đổi với Dân trí, Trung tá Mỵ Duy Xuân, Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố Thanh Hóa, cho biết: “Thực hiện Chỉ thị 04 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông, và xuất phát từ tình hình thực tế các đối tượng thanh thiếu niên, có cả cán bộ công chức và học sinh vi phạm giao thông rất nhiều. Chúng tôi đã huy động 166 đồng chí có cả công an tỉnh tăng cường, đặc biệt là lực lượng dân quân tự vệ tham gia. Lực lượng này được chia thành 24 chốt và 4 tổ tuần tra ở những đoạn đường trọng yếu trên địa bàn”.

“Độc chiêu” quăng lưới bắt... “quái xế” của CSGT - 3
Trung tá Mỵ Duy Xuân, Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Thanh Hóa trao đổi với PV.

Về việc sử dụng lưới đánh cá, Trung tá Mỵ Duy Xuân cho biết: "Trong quá trình thực hiện bắt vi phạm giao thông có một số đối tượng khi ra hiệu lệnh thường bỏ chạy nên quá trình  xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã nghĩ ra cách tung lưới cá vào bánh sau xe mô tô của đối tượng vi phạm. Trong quá trình làm có thể xảy ra những va chạm vì các đối tượng vi phạm có thể vòng, quay xe lại nên có thể va chạm với các phương tiện khác trên đường. Trước khi làm chúng tôi cũng đã báo cáo lãnh đạo Công an thành phố và Công an tỉnh. Tất nhiên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng dù biện pháp nào mục đích cuối cùng là đảm bảo an toàn cho chính đối tượng vi phạm, người tham gia giao thông và lực lượng bảo vệ". 

Khi được hỏi về vấn đề các đối tượng vi phạm giao thông chủ yếu là những vi phạm hành chính, không đến mức phải dùng các biện pháp mạnh, ông Mỵ Duy Xuân giải thích: "Đây không phải là biện pháp trong quy định của ngành, nhưng chúng tôi nghĩ ra trong quá trình thực hiện đảm bảo an toàn giao thông. Hơn nữa chúng tôi không làm đại trà mà chỉ nhằm vào các đối tượng lạng lách, đánh võng không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT. Vì các đối tượng này rất dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường".

Duy Tuyên