Doanh nghiệp thuê 35,7ha Vườn quốc gia Tam Đảo làm du lịch sinh thái
(Dân trí) - Doanh nghiệp thuê 35,73ha Vườn quốc gia Tam Đảo trong 30 năm, dự kiến xây một khách sạn 225 phòng cao 3 tầng nổi, 2 tầng hầm và các biệt thự nghỉ dưỡng Bungalow thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Ngày 28/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13 - Vườn quốc gia Tam Đảo để tham vấn cộng đồng.
Theo báo cáo ĐTM, cuối tháng 3/2023 Vườn quốc gia Tam Đảo (chủ rừng) và Liên danh Sông Hồng Tam Đảo - Sông Hồng Thủ Đô (Công ty cổ phần Sông Hồng Tam Đảo và Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô) đã ký kết hợp đồng kinh tế cho thuê môi trường rừng để thực hiện dự án trên.
Thời hạn thuê là 30 năm kể từ ngày hai bên bàn giao diện tích cho thuê rừng. Dự án sẽ thuộc địa phận huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong tổng diện tích thuê 35,73ha, chủ đầu tư dự kiến xây dựng một khách sạn 225 phòng cao 3 tầng (không quá 12m) và 2 tầng hầm; xây các khu biệt thự nghỉ dưỡng Bungalow (nhà gỗ) thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao (tối đa 2 tầng, cao không quá 8m), cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ kèm theo.
Chủ dự án sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, thông tin liên lạc, PCCC, cây xanh, bãi đỗ xe...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự định xây một đài quan sát trên diện tích 4.333m2 để phục vụ nhu cầu quan sát toàn cảnh khu vườn quốc gia từ trên cao.
Báo cáo ĐTM cho rằng, đến nay du lịch Tam Đảo chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Vì vậy, thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ gắn với yếu tố bản địa, tạo dựng sản phẩm, hình ảnh đặc trưng mang thương hiệu du lịch Tam Đảo trở nên cấp thiết.
Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13 Vườn quốc gia Tam Đảo không thuộc đối tượng phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và không thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương của UBND cấp tỉnh.
Trích dẫn nhiều quy định pháp luật, báo cáo ĐTM khẳng định Vườn quốc gia Tam Đảo là tổ chức quản lý rừng đặc dụng. Hợp đồng ký kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp thuê rừng được điều chỉnh theo quy định pháp luật dân sự nên không phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư là phù hợp Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và pháp luật về dân sự.
Dự án nằm trong phân khu dịch vụ hành chính, thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo, phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt; có mối quan hệ chặt chẽ với các quy hoạch phát triển, quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành và quy hoạch khác liên quan,
Hơn nữa, theo ĐTM, dự án phù hợp với Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Vĩnh Phúc xác định không gian phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gồm: Khu vực Tam Đảo I, khu nghỉ dưỡng cao cấp Tam Đảo II, khách sạn Metrople tại Tam Đảo, khách sạn Die Star Nam Vĩnh Yên, khu du lịch Flamingo Đại Lải, khu du lịch đầm Rưng, khu FLC Resort Vĩnh Thịnh, Vườn quốc gia Tam Đảo và du lịch tâm linh (chùa Tây Thiên, đền Mầu, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên,…).
Trong khu vực nghiên cứu dự án không có dân cư sinh sống. Ở đây chủ yếu là rừng tự nhiên, trong đó rừng gỗ lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá rộng 1,81ha, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa gần 33ha...
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lấy ý kiến tham vấn cộng đồng về báo cáo ĐTM dự án này trong 14 ngày.
Vườn quốc gia Tam Đảo là nơi lưu giữ đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm, giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước và bảo vệ đất đai, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống cho một phần Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.
Vườn quốc gia Tam Đảo có diện tích 368,8km2, thuộc địa giới của 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Vườn quốc gia cách trung tâm Hà Nội khoảng 75km.
Dãy núi Tam Đảo có trên 20 đỉnh núi, các đỉnh có độ cao trên dưới 1.000m. Đỉnh cao nhất là Tam Đảo Bắc (Tam Đảo North - ranh giới giữa 3 tỉnh) cao 1.592m.
Ba đỉnh núi nổi tiếng của Tam Đảo là Thiên Thị (1.375m), Thạch Bàn (1.388m), và Phù Nghĩa (1.300m).