1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Doanh nghiệp “bên bờ vực” vì sữa bị tẩy chay

(Dân trí) - Chiều 3/10, Hanoimilk tổ chức họp báo trong bối cảnh công ty điêu đứng vì hàng hóa bị tẩy chay trên thị trường. Bên cạnh việc có thêm 2 sản phẩm bị vào “danh sách đen”, Hanoimilk cũng đưa ra giấy kiểm nghiệm không có melamine với 18 mặt hàng khác.

Thêm hai sản phẩm sữa vào “danh sách đen”

Cuối giờ chiều 3/10, trong danh sách các sản phẩm nhiễm melamine mới nhất do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế công bố (Viện Dinh Dưỡng Quốc gia thực hiện) lại có tên 2 sản phẩm sữa của Hanoimilk. Đó là mẫu Sữa Hi-P socola, có hàm lượng melamine 150mcg/kg; sữa bột Whole milk 2 có hàm lượng melamine 245mcg/kg.  

Còn trước đó, trong 5 mẫu sữa lấy tại kho của Hanoimilk (đóng tại Quang Minh, Mê Linh, Vĩnh Phúc) có 2 mẫu sữa bột nhập từ Trung Quốc đã nhiễm melamine. Đó là sữa bột nguyên kem Grate A của Công ty Long Com (Trung Quốc), hạn sử dụng đến tháng 9/2008 có hàm lượng melamine là 145mcg/kg và nhãn sữa bột nguyên kem Blue Cow, hạn sử dụng đến 26/11/2008, hàm lượng melamine 200mcg/kg.  

Ngày 2/9, Thanh tra Bộ đã yêu cầu Hanoimilk tiêu hủy ngay 2 lô sữa này. Ngoài ra, Thanh tra còn yêu cầu Hanoimilk thu hồi 95 tấn sữa bột nguyên kem đã bán cho Công ty Á Châu.  

Công ty Á Châu Hà Nội đã bán lẻ hết 25 tấn sữa bột nguyên kem này. Còn Công ty Á Châu Sài Gòn vẫn còn 70 tấn trong kho và hiện đã niêm phong chờ tiêu hủy. Thanh tra Bộ cũng đề nghị phía Sở Y tế Hà Nội phối hợp thu hồi sản phẩm tại 5 địa chỉ mua sản phẩm từ Công ty Á Châu Hà Nội và tiêu hủy sản phẩm trước ngày 10/10 và có báo cáo về Cục ATVSTP trước ngày 14/10. 

Gần 17 tấn sữa bột mà Hanoimilk mua lại từ Công ty Hoàng Lâm cũng đã được bán hết cho một đơn vị khác.

Về tính khách quan của kết quả kiểm nghiệm melamine, Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết: “các mẫu sữa được chuyển xuống viện Dinh dưỡng đều đã được mã hoá. Người làm kiểm nghiệm không thể biết mẫu sữa đó ở đâu, của đơn vị nào mà chỉ có trách nhiệm đưa ra kết quả. Sau đó, mẫu sẽ được chuyển về một bộ phận khác mở mã trở lại. Lúc đó, mới có thể biết đó là mẫu sữa ở đâu. Vì vậy, không thể có chuyện gian lận trong việc xét nghiệm tìm melamine. 

Doanh nghiệp bên bờ vực phá sản

Tại cuộc gặp gỡ chiều 3/10, Hanoimilk đã đưa ra được 18 phiếu kiểm nghiệm các mặt hàng sữa nước, gồm sữa chua uống, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng… của công ty là hoàn toàn không nhiễm melamine. Kết quả này do Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm, Sở khoa học công nghệ TPHCM tiến hành kiểm nghiệm và cho kết quả.

Tuy vậy, do tâm lý lo ngại, kể từ khi sản phẩm của Hanoimilk và Anco được công bố nhiễm melamine, tất cả các mặt hàng của hai công ty này gần như bị tẩy chay hoàn toàn trên các giá hàng siêu thị, cũng như nhiều cửa hàng khác. Nhiều ngày nay, doanh số bán ra của Hanoimilk gần như bằng không. Công ty đang đứng bên bờ vực phá sản. Nếu điều này xảy ra thì sẽ có hàng ngàn người chăn nuôi lâm vào cảnh vỡ nợ và hàng trăm công nhân rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp.

Ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc Hanoimilk khẳng định lại, số nguyên liệu Trung Quốc nhiễm melamine được Công ty nhập về Việt Nam đã có đầy đủ giấy chứng nhận do cơ quan chức năng cấp. Số nguyên liệu sữa này được nhập về và bán với mục đích thương mại, chứ không để sản xuất các sản phẩm của công ty. Còn 108 tấn nguyên liệu sữa được xác định nhiễm melamine đã được niêm phong tại kho chờ tiêu hủy. 

Ông Tuấn cũng cho biết sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Theo ông Tuấn, trong sự việc này, doanh nghiệp cũng là nạn nhân vì không biết sản phẩm họ nhập về có chứa độc tố melamine.

P. Thanh

Dòng sự kiện: Sữa nhiễm hoá chất