1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đồ cổ, quý, lạ của một mo Mường

Nhìn những hiện vật trong bộ sưu tập của thầy Mo Mường Bùi Văn Minh, chúng tôi mường tượng thấy thấp thoáng ẩn hiện một giai đoạn lịch sử trải dài hàng vạn năm của người Mường.

Hình ảnh những người nguyên thủy đang cặm cụi mài đá chế tác công cụ, chặt đập quả cây ven rừng, dọc suối; những vị lang Mường oai phong lẫm liệt vai khoác áo choàng, lưng cài bảo kiếm; những bà nàng, nàng ả (vợ và con gái các quan lang) cổ, tay đeo đầy trang sức, bên hông xúng xính xà tích; những đám trai thanh gái tú đang hát ví, hát đúm bên nhau; những gái góa con côi, khóc thầm trong bóng tối và lại có những đêm mo kéo dài như vô tận…

Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Chủ thể thực hành Mo là ông Mo hay thầy Mo, họ là người nắm giữ tri thức của Mo, thuộc lòng hàng vạn câu Mo và thông thạo nghi lễ, tập quán của người Mường. Tỉnh Hòa Bình tính đến thời điểm này còn khoảng trên 270  thầy Mo, trong số đó người có đủ năng và lực như thầy Mo Bùi Văn Minh còn lại rất ít.

Bùi Văn Minh người dân tộc Mường tại xóm Mận, xã Văn Sơn huyện Lạc Sơn. Là thầy Mo trẻ (sinh năm 1970) nhưng anh được xếp thứ hạng nhất, nhì trong hệ thống các ông Mo Mường ở Hòa Bình. Năm 2015, khi mới 45 tuổi, anh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng và được nhiều tổ chức di sản trong nước và quốc tế tặng các danh hiệu danh dự và bảng vàng ghi danh. Năm 2020, thầy Mo Bùi Văn Minh tiếp tục được tỉnh Hòa Bình tôn vinh giới thiệu đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Đồ cổ, quý, lạ của một mo Mường - 1
Miếng thịt bằng đá.

Ngay từ ngày còn mười tám, đôi mươi, Bùi Văn Minh đã sớm có ý thức sưu tầm các hiện vật quý, lạ của người Mường “để cất nó đi kẻo sau này mất không có nữa” khi thấy có cổ vật anh cho là quý, hiếm của người Mường thì khó mấy anh cũng cố sưu tầm.

Trên 20 năm sưu tầm cổ vật, nay anh đã sở hữu trên 1.000 hiện vật lớn nhỏ được chia thành nhiều loại hiện vật: Đá công cụ (thuộc các nền văn hóa khảo cổ học); hiện vật đồng và các kim loại khác; hiện vật văn vật Mường (đồ dùng sinh hoạt), các đồ khác lạ, trong đó có nhiều cổ vật có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như giá trị vật chất.

Về hiện vật đá, có rất nhiều các công cụ do người nguyên thủy mài (cách ngày nay khoảng 7500 - 2800 năm), từ mài lưỡi đến mài toàn thân, vòng tay trang sức cho đến những hiện vật đá dùng cho sinh hoạt ở giai đoạn sau này. Cổ vật đồng có rìu, dao găm, mũi tên, rìu lưỡi séo, mũi giáo, đồ trang sức… hầu hết thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay gần 3000 năm. Trong các cổ vật bằng đồng tiêu biểu và nổi bật là số cổ vật xanh đồng 4 quai, piếng đồng nhà lang, chiêng đồng quý và một số vật dụng đồng có từ thời hậu Lê, anh sưu tầm được trong khu vực Mường Vang và các vùng Mường lớn khác của Hòa Bình.

Kim loại khác bao gồm cổ vật bằng bạc trang sức của phụ nữ giầu có thời kỳ phong kiến ở Hòa Bình như vòng đeo cổ, đeo tay, bộ xà tích, hộp đựng trầu cau, hộp đựng các vật dụng phụ nữ bằng bạc… có nhiều hiện vật anh còn nắm rõ lai lịch xuất sứ của "bà nàng" (vợ Lang) nào đó trên đất Mường Vang, Mường Vó, Mường Khênh như chiếc ấm của bà Hà Thị Tẻo - hoa hậu sứ Mường Hòa Bình con nuôi, con dâu của Chánh quan lang Quách Vị.

Các hiện vật lạ mắt cũng hay được anh chú ý sưu tầm đáng chú ý là "miếng thịt đá" dài 40cm cao 13 đến 20cm nặng khoảng 5 kg và sừng tê giác đá. Hai hiện vật này không ai nghĩ nó là đá vì nó quá giống với vật thật.

Anh tâm sự "Trên 20 năm sưu tầm, đã mua đã tìm được vật nào nó như cái duyên đến với mình nên mình quyết giữ, những năm trước đây kinh tế gia đình còn rất khó khăn đã có nhiều người đến gạ mua lại với giá trị cao gấp nhiều lần nhưng mình kiên quyết giữ, không bán. Nó là báu vật của cha ông mình để lại mất đi là mất luôn không thể sưu tầm lại được"  Những cổ vật anh sở hữu có rất nhiều đồ giá trị cao về cả vật chất và văn hóa như chiếc ninh đồng lớn của nhà Lang Mường Vang rộng gần 60cm, đôi quai soắn vặn thừng, 2 đầu ở 2 bên quai được cách điệu thành đầu rắn trông rất mềm mại;  Ba chiếc xanh đồng 4 quai có đường kính miệng sấp sỉ 80cm, cân nặng mỗi chiếc lên đến gần ba chục cân. Hiện nay ở Hòa Bình loại hiện vật này chỉ còn lại một vài chiếc.

Chiêng cổ nhà anh có rất nhiều, vài chục chiếc lớn nhỏ. Trong đó có 2 chiếc chiêng cổ hiện nay khó có thể tìm thấy ở Hòa Bình. Một chiếc có đường kính 1m, nặng 26kg được anh sưu tầm ở Mường Vang Hòa Bình. Chiếc thứ 2 anh sưu tầm tại một gia đình dân tộc Mường ở Thanh Hóa rộng 74cm, nặng hơn chục kilôgam.

Anh cho biết “Chiếc chiêng này bên Thanh Hóa (nơi sản xuất chiêng) cũng khó có chiếc thứ hai”. Chiêng rộng từ 40- 50cm, chiêng  cổ, tiếng chuẩn nhà có vài chục. Chiêng nhà Minh sắp xếp lại có thứ tự chúng ta sẽ thấy cả một tiến trình phát triển của chiêng Mường hoàn chỉnh bắt đầu từ văn hóa Đông Sơn (cách đây gần 3000 năm) kéo dài đến ngày nay. Một bộ sưu tập rất có giá trị về văn hóa, khoa học, lịch sử chứng minh chủ nhân là người Mường đã sử dụng chiêng từ thời kỳ trước Công nguyên.

Đồ cổ, quý, lạ của một mo Mường - 2

Hai thanh bảo kiếm của quan Lang mường.

Thầy mo Minh còn cho chúng tôi xem 2 chiếc kiếm đồng được treo trang trọng trên cột ban thờ lớn nhà thầy và cho biết một chiếc có từ thời Lê (Thế kỷ XVII- XVIII), của một vị tướng quân Mường (?) chiếc này có chiều dài 82cm chuôi đồng đúc nguyên khối, 1 chiếc khác của vua Khải Định tặng cho nhà Lang Quách Vị  (Chánh quan Lang Hòa Bình) Kiếm này dài 91cm chuôi đồng bọc ngà voi. Anh còn cho chúng tôi thưởng lãm vô số các đồ dùng, đồ trang sức của các nhà lang Mường, đồ trang sức, đồ dùng cá nhân của vợ và con gái nhà Lang là các cổ vật được bọc bạc: dao cau bọc nanh hổ, nanh hổ đeo cổ, trâm cài tóc bằng bạc, ngà voi, xà tích bạc.

Người Mường và nhiều dân tộc thiểu số khác từ xưa đến nay chỉ dùng Bạc không dùng vàng như người Kinh.

Tìm trong đống cổ vật đồng gồm nồi bọng, các xanh đồng 2 quai loại nhỏ, ấm pha chè… Anh mang ra một chiếc piếng đồng (vật dụng để đồ xôi của người mường) có dáng nhỏ, tròn, không có quai, họng piếng thấp hơn so với những chiếc piếng thông thường khác anh giải thích, nó là chiếc “Piếng con côi”, người xưa sản xuất chuyên để dành bán cho người mồ côi cha mẹ, gái góa chồng loại này cũng vô cùng đặc biệt hiếm và ít người hiểu về nó.

Túi Khót là vật thiêng bất khả ly thân của mỗi thầy Mo Mường, khi thực hiện nghi lễ họ trải các vật đựng trong túi bày ra mâm để trước mặt (để làm vật chứng nối con người với bề trên). Túi Khót của các thầy Mo cơ bản là giống nhau là một chiếc túi vải trong đó có chứa nhiều "vật thiêng" như Đá thiên thạch, Rìu đá mài lưỡi, mài toàn thân, công cụ lấy lửa, rìu đồng Đông Sơn, mũi tên, lưỡi giáo đồng nanh lợn, nanh hổ và vài chục các đồ lạ khác… Khác nhau về độ lớn và phong phú của các vật thiêng có trong túi. Túi Khót của thầy Mo Minh chứa hàng trăm vật thiêng và nó lớn gấp 3 gấp 4 túi Khót bình thường.

Nhìn những hiện vật trong bộ sưu tập của thầy Mo Mường Bùi Văn Minh, chúng tôi mường tượng thấy thấp thoáng ẩn hiện một giai đoạn lịch sử trải dài hàng vạn năm của người Mường. Hình ảnh những người nguyên thủy đang cặm cụi mài đá chế tác công cụ, chặt đập quả cây ven rừng, dọc suối; những vị lang Mường oai phong lẫm liệt vai khoác áo choàng, lưng cài bảo kiếm; những bà nàng, nàng ả (vợ và con gái các quan lang) cổ, tay đeo đầy trang sức, bên hông xúng xính xà tích; những đám trai thanh gái tú đang hát ví, hát đúm bên nhau; những gái góa con côi, khóc thầm trong bóng tối và lại có những đêm mo kéo dài như vô tận…

Chiếm trên 60% dân số của tỉnh Hòa Bình, người Mường ở Hòa Bình có một nền văn hóa truyền thống lâu đời, phong phú và đa dạng, nhưng có rất ít người có ý thức gìn giữ "sợ sau này không còn nữa" như thầy Mo Bùi Văn Minh. Trong nỗi buồn di sản truyền thống Mường ngày càng hao hụt dần. Chúng tôi - những người yêu di sản Mường- thầm cảm ơn những người như thầy Mo Bùi Văn Minh có tâm, có tầm trong lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, cứu vãn hồn cốt của chính dân tộc mình.