1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đinh Hợi không phải năm vàng

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết, nếu xét về ngũ hành, màu vàng không phải màu của năm Đinh Hợi. Và theo một khảo sát nhỏ mà ông thực hiện, số danh nhân sinh năm này cũng không nhiều hơn các năm khác.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho biết, màu sắc của một năm thường được xét theo hành (kim, thủy, mộc, hỏa, thổ) của can (giáp, ất, bính, đinh...).

Với năm Đinh Hợi, Đinh thuộc hành Hỏa nên có màu đỏ. Bởi thế, biểu tượng của năm này thường được gọi là "con lợn lửa" hay "con lợn đỏ".

Màu vàng thuộc về hành Thổ, chỉ có ở những năm Mậu, Kỷ. Chẳng hạn, năm Mậu Tý (2008) và Kỷ Sửu (2009) là các năm "vàng". Tuy nhiên, đây chỉ là màu sắc theo ngũ hành, vàng không có nghĩa là quý bởi không mang nghĩa "vàng bạc châu báu".

Nếu xét về lục thập hoa giáp (một chu kỳ 60 năm), Đinh Hợi đúng là thuộc hành thổ, cụ thể là bích thượng thổ (đất trên tường). Tuy nhiên, trong hành của lục thập hoa giáp lại không kể đến màu.

Theo lịch pháp Trung Quốc, cứ 3 lục thập hoa giáp là một chu kỳ lớn, trong đó 60 năm này không hẳn giống với 60 năm kia, nhưng đặc điểm ngũ hành thì không có gì thay đổi.

"Có thể nhà phong thủy nào đó lại phân biệt các năm Đinh Hợi trong chu kỳ lớn và cho rằng năm Đinh Hợi 2007 có màu vàng chăng? Đây cũng chỉ là giả thiết và chưa có tài liệu nào chứng thực" - ông Giác Hải nói.

Cách sách vở, tài liệu vẫn cho rằng, người sinh năm Hợi nói chung thường có số hưởng thụ, an nhàn, suy diễn từ đặc điểm của loài lợn (xét theo phương diện này, không có năm nào là xấu bởi với mỗi tướng tinh đều có những điểm tốt riêng).

Và dân gian có xu hướng gắn chữ "vàng" vào những năm được cho là tốt, chẳng hạn như rồng vàng (năm 2000), dê vàng (2003)... Và "năm lợn vàng" (2007) có lẽ là mang ý nghĩa này, bởi các sách về lịch pháp ở cả Việt Nam và Trung Quốc đều không nói gì đến lợn vàng.

Năm Đinh Hợi có đặc biệt tốt?

Nếu theo sách vở, thì trong các năm "lợn", Đinh Hợi không được đánh giá cao bằng Quý Hợi, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết. Còn trong thực tế, chưa có cơ quan nào thống kê xem những người sinh năm nào dễ thành đạt hơn.

Ông Hải đã thử làm một khảo sát nhỏ. Ông lập một danh sách hơn 200 người có ngày sinh cụ thể trong từ điển danh nhân Pháp, đối chiếu năm sinh của họ theo bảng can, chi. Kết quả cho thấy, số danh nhân này rải đều cho các năm, hầu như năm nào cũng có danh nhân. Trong đó, các năm liên quan đến Đinh và Hợi đều không có gì nổi trội, thậm chí kém một số năm khác.

Chẳng hạn, các năm Đinh có 18 danh nhân, trong khi các năm Giáp có tới 26, Kỷ 25, Quý 25. Các năm Hợi có 21 danh nhân, bằng năm Thân và thua năm Tỵ (27 người). Riêng năm Đinh Hợi có 4 danh nhân, trong khi rất nhiều năm khác có đến 6-7-8 người và đặc biệt là năm Quý Hợi có 9 người.

"Như vậy có thể thấy là 'hào kiệt đời nào cũng có'. Và tuổi nào cũng phải làm việc hết mình mới đạt được thành công, chứ không thể nghĩa mình sinh năm tốt là có thể ngồi há miệng chờ sung" - ông Hải kết luận.

Nhiều người sinh vào năm được cho là vất vả, chẳng hạn như năm Sửu, nhưng vẫn thành đạt, chẳng hạn như vua Lê Đại Hành sinh năm 949, hay những người đạt giải Nobel Hòa bình Eisaku Sato (sinh năm 1901, người Nhật Bản) và Carlos Filipe Ximenes Belo (sinh năm 1949, người Đông Timor)...

Mặt khác, nếu tin theo tử vi, thì chỉ sinh vào năm tốt chưa đủ, vì một lá số phải xét trên 4 yếu tố là năm, tháng, ngày giờ. Hai người sinh cùng năm, cùng ngày tháng nhưng khác giờ là số phận đã có thể khác xa nhau.

Theo Hải Hà
Vnexpress