1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Điện Biên trong trái tim người lính xe thồ hỏa tuyến

(Dân trí) - Trong một lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, Bác đã nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Con đường vận chuyển tiếp viện lên Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây đắp bằng biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt của cả một thế hệ. 6 thập kỷ trôi qua, cuộc sống đổi thay, người xưa không còn nhiều, duy chỉ có những ký ức đầy gian lao và tự hào thì còn mãi trong trái tim của những người lính.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu ngày đó là niềm tự hào của biết bao thế hệ trẻ hôm nay. Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp tìm về những nhân chứng sống lịch sử ngày nào, những người con Thanh Hóa đã cùng nhau góp nên sức mạnh để có được chiến thắng vẻ vang ấy.

Với cụ Trần Khôi, ký ức những ngày gian nan tham gia đội xe thồ hỏa tuyến không bao giờ quên
Với cụ Trần Khôi, ký ức những ngày gian nan tham gia đội xe thồ hỏa tuyến không bao giờ quên

Trong căn nhà nhỏ của cụ Trần Khôi nép mình trên đường Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) vẫn còn treo trên bức tường những tấm hình cụ chụp cùng những người lính dân công hỏa tuyến bên những chiếc xe thồ. Cụ bảo thời gian, tuổi già có thể khiến cụ quên đi điều gì đó, nhưng riêng những ngày tháng cùng đội xe thồ tiếp tế lương thực lên Điện Biên thì cụ vẫn còn nhớ như in; bởi thế những bức hình ấy cũng được xem như là báu vật.

Hồi ức về năm tháng ấy, cụ kể: “Thời bấy giờ, trước khi chuẩn bị cho cuộc chiến dịch Điện Biên Phủ, cả nước dồn lương thực, vũ khí, sức người cho Điện Biên. Tất cả đều hướng về Điện Biên. Thị xã Thanh Hóa cũng không ngoại lệ. Sau khi chính quyền thị xã họp, quyết định thành lập một Đại đội xe thồ chở gạo lên Điện Biên Phủ. Đồng chí Nguyễn Hổ được cử làm Đại đội trưởng, Đại đội phó là Nguyễn Văn Chung và tôi là Chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ”.

Khi đại đội được thành lập, gia đình nào có xe thì ủng hộ xe, có gạo thì ủng hộ gạo, không có xe, gạo thì ủng hộ công sức, tiền bạc. Xe đạp thời kỳ này rất quý hiếm, hầu hết là xe Xanh-tê-chiêng của Pháp và Pra-ha của Tiệp. Khi có được tiền của nhân dân thì tập trung ra khu chợ Vườn Hoa (cũ) mua cho đủ 100 chiếc xe đạp

Nhân dân ai cũng xung phong đòi đi bằng được để góp sức mình cho Điện Biên. Thế nhưng cụ bảo không phải ai cũng được đi mà phải chọn người có sức khỏe, gia đình không neo người và đặc biệt là phải có tinh thần cách mạng. Thế rồi 100 người cũng được chọn ra thành một đại đội xe thồ.

Với cụ Trần Khôi, ký ức những ngày gian nan tham gia đội xe thồ hỏa tuyến không bao giờ quên
Cụ Trần Khôi cùng đội dân công xe thồ hỏa tuyến C101 chụp ảnh lưu niệm trong những ngày trên đường ra mặt trận

Sau khi các công tác chuẩn bị hoàn tất thì đầu tháng 2/1954, Đại đội xe thồ C 101 xuất phát. Ngoài 100 người với 100 xe đạp còn có thêm 3 đồng chí trong Ban chỉ huy, 2 đồng chí công minh có trách nhiệm sữa chữa xe và 1 y tá lên đường.

“Đèo cao thì mặc đèo cao/ tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo”

Cụ Trần Khôi vẫn nhớ như in câu hò dô của đồng đội mỗi khi lên dốc xuống đèo “Đèo cao thì mặc đèo cao/ tinh thần tiếp viện còn cao hơn đèo”. Cụ bảo chẳng ai ngại khó, ngại khổ bởi phía trong ngực trái của mỗi người đã in hằn hai chữ Điện Biên, tất cả vì Điện Biên và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

“Hành trình đầu tiên chúng tôi đi từ Đông Tiến lên Thọ Xuân lấy gạo. Mỗi người lúc này chỉ thồ 50kg, cùng quần áo, các đồ đoàn như nồi xoong để nấu ăn trên đường. Đi qua Vạn Mai lên Quan Hóa, Bá Thước, dọc Suối Rút đến ngã ba Cò Nòi và điểm tập kết cuối là Sơn La. Đường đi toàn là núi cao, vực thẳm, đá tai mèo, dốc hun hút. Không những thế máy bay của địch ngày đêm trinh sát, đánh phá. Thế nhưng ngày đó tinh thần cách mạng nó át hết hay sao mà anh em chẳng biết mệt, chở 50kg gạo mà cứ đi như bay”.

“Những cuộc hành trình sau đó chỉ từ đoạn Suối Rút cho đến Sơn La. Và những chuyến thồ sau này thì không còn là 50kg nữa mà lên đến 70kg, 90kg, hơn 1 tạ, trong Đại đội của tôi người thồ nhiều nhất lên đến 177kg, một số anh em đội khác còn thồ lên đến hơn 300kg”.

Đội xe thồ hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ gặp lại nhau giữa thời bình
Đội xe thồ hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ gặp lại nhau giữa thời bình

Để đáp ứng yêu cầu chiến dịch, Đại đội xe thồ C 101 chia thành 8 tiểu đội, tiểu đội lại chia thành tổ 3 người một xe, hỗ trợ nhau khi lên, xuống dốc. Khi xuống dốc, phải có một đồng chí cầm lái, một người kéo xe lại và một người đằng trước ghì tay lái xuống, không thì xe lao xuống vực thẳm. Lúc lên dốc, ngoài người cầm lái, đẩy xe, phải có một người đi trước, buộc dây kéo vào người, vừa ghì, vừa kéo xe lên, tránh tình trạng xe bị lật.

Khi chúng tôi thắc mắc làm sao chiếc xe thồ có thể chịu được khối lượng nặng đến như vậy thì được cụ cho biết: “Ngày đó cái khó ló cái khôn, chúng tôi phải xé cả chăn chiên, áo may ô để quấn vào săm thành nhiều lớp để khi bơm căng hơi thì săm không bị nổ. Lốp xe thì cũng bọc hai lớp, nan hoa thì dùng tre lấy trong rừng chẻ ra chắp vào, dép cao su cũng phải “hy sinh” một chiếc để làm phanh”.

“Những chuyến đi ấy của đoàn tiếp vận cũng chỉ đi trong đêm chứ không được đi ban ngày vì sợ quân địch phát hiện. Một chuyến hành trình như thế bao giờ cũng là chập choạng tối, vượt quãng đường hơn 20 cây số đường rừng cho đến địa điểm tập kết cũng khoảng 1-2h sáng. Sau đó anh em lại trở về lán thì trời cũng bắt đầu sáng. Mọi người được nghỉ ngơi vài tiếng rồi lại dậy chuẩn bị ăn uống và đóng gạo cho chuyến đi vào ban đêm. Mỗi ngày nối tiếp nhau cứ lập lại những công việc như thế”

“Khổ nhất là ngày mưa, đường đất đỏ nhão nhoẹt bám bê bết vào các vành xe nên cứ đi một quãng lại phải dùng que chọc cho đất tuột ra. Con đường lại trơn như đổ mỡ, dốc lên dốc xuống, anh em xe thồ phải bấm từng ngón chân xuống mới có thể giữ vững được xe gạo. Những mỏm đá tai mèo lởm chởm nhô lên nhô xuống trong khi ai nấy chỉ được đi một chiếc dép cao su hết đổi bên này lại đổi sang bên kia vì một chiếc phải dùng làm phanh cho xe thồ thành thử chân ai nấy đều bị bầm dập tứa máu”.

Không dừng lại ở những khó khăn gian khổ đó mà những anh em dân công khi ngủ trong rừng bị muỗi cắn và sốt rét mặt ai nấy xanh như tàu lá, người gầy rộc đi thế nhưng mọi người đều động viên nhau, họ hát vang núi rừng để quên đi mệt nhọc.

“Cuối cùng thì niềm tin vào Đảng và Bác Hồ vào vị tướng anh minh Võ Nguyên Giáp của chúng tôi cũng đến ngày vỡ òa. Khoảnh khắc nghe tin ta chiến thắng cả đoàn người hò reo vang vọng khắp cả núi rừng. Tôi vẫn như như in cái khoảng khắc ấy- khoảng khắc hạnh phúc không thể diễn tả hết được. Hiểu rằng mình cũng đã góp một phần công sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ” – cụ tự hào trải lòng.

Có lẽ bao nhiêu năm qua khi sống trong thời bình, vẫn có biết bao người cố công đi tìm lời giải đáp “bí ẩn” rằng điều gì khiến người lính xe thồ hỏa tuyến năm xưa có thể chở những chuyến hàng nặng hàng trăm kg đến như vậy trong điều kiện phương tiện thô sơ trên quãng đường hàng chục cây số với bao gian khổ, hiểm nguy nhưng luôn hoàn thành nhiệm vụ với nhân dân với cách mạng.

Đọc tên từng đồng đội trong bức ảnh chụp ngày tổng kết sau khi chiến thắng trở về, cụ trầm tư khi nhận ra quá nửa đã “đi xa”. “Lúc trở về thì dân công hỏa tuyến như chúng tôi không được chế độ gì cả. Nhưng điều mà mọi người quan tâm hơn đó là niềm tự hào và vui sướng vì đã được góp sức mình cho cuộc chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.” – cụ Trần Khôi cho biết.

Nguyễn Thùy

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm