Địa phương bị bão lũ "vướng" khó khăn gì khi khắc phục hậu quả thiên tai?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Các địa phương bị thiệt hại do thiên tai phải ứng trước kinh phí để thực hiện thì mới được xem xét hỗ trợ, trong khi các tỉnh này, nguồn lực hạn chế và có thể dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Thường sau mỗi đợt thiên tai, người dân cần cứu trợ, hạ tầng cần khôi phục ngay. Tuy nhiên, do vướng nhiều cơ chế chính sách nên việc này gặp nhiều khó khăn và kéo dài.

"Trên thế giới nhiều quốc gia họ có sẵn khoản kinh phí nhất định phục vụ cho công tác khắc phục thiên tai. Khi có các tình huống thiên tai cần cứu trợ, họ xuất kinh phí ra một cách nhanh chóng", ông Hoài cho biết.

Địa phương bị bão lũ vướng khó khăn gì khi khắc phục hậu quả thiên tai? - 1

Ông Trần Quang Hoài. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết thêm, nhiều quốc gia trên thế giới họ có hàng chục công ty tư vấn chuyên thiết kế cho việc khắc phục hậu quả thiên tai. Khi có thiệt hại do thiên tai, những công ty này phải xác định ngay khối lượng và đưa ra các giải pháp khắc phục.

"Tại nhiều quốc gia họ có sẵn những nhà thầu được bố trí ở các địa phương, khi có thiệt hại do thiên tai, những nhà thầu này cứ thế đến thi công khắc phục. Do đó, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được diễn ra nhanh chóng", ông Hoài nói.

Còn tại Việt Nam, theo ông Hoài, công việc trên còn phải thông qua đấu thầu và nhiều thủ tục khác nữa mới triển khai được. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương chịu thiệt hại do thiên tai đã rất nỗ lực khắc phục bằng nhiều cách khác nhau, có cả việc "lách luật" để công việc này được triển khai nhanh chóng.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, để chuẩn bị ứng phó và cứu trợ người dân sau thảm hoạ bão Goni, Chính phủ Philippines (Bộ Phát triển và Phúc lợi xã hội) đã phê duyệt từ sớm ngân sách dự phòng để cứu trợ cho người dân, tổng ngân sách lên đến hơn 18 triệu USD.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, hiện nay, kinh phí cho phòng, chống thiên tai là do ngân sách địa phương đảm bảo. Tuy nhiên, hiện  còn một số tồn tại hạn chế trong hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai như tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg, các địa phương bị thiệt hại phải ứng trước kinh phí để thực hiện thì mới được xem xét hỗ trợ, trong khi các tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nguồn lực hạn chế và có thể dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP chỉ các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn mới được hỗ trợ khi nhà bị sập, đổ, trôi; quy trình, thủ tục hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia còn kéo dài,…

Trong đợt mưa lũ miền Trung vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp ngay 5.000 tấn gạo và 500 tỷ đồng cho 5 tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất (mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng). Do vậy, trong thời gian tới đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên theo hướng rút gọn, đảm bảo tính kịp thời trong cứu trợ sau thiên tai.

Tháng 10 "kinh hoàng" ở miền Trung

Từ ngày 7/10 đến nay, khu vực Trung Bộ đã liên tiếp chịu ảnh hưởng nhiều thiên tai, lũ chồng lũ, bão chồng bão gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Tổng cộng đã có 4 cơn bão (số 6, số 7, số 8 và số 9) và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung. Trong đó, bão số 9 cùng với bão Xangsane (2006) là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ. Trên Biển Đông bão đạt cường độ cấp 14, giật cấp 17. Khi vào đất liền đã gây ra gió rất mạnh, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14.

Khu vực cũng đã chịu ảnh hưởng của 3 đợt mưa lớn liên tiếp với tổng lượng mưa các đợt từ 1.000-2.500mm, có nơi xấp xỉ 3.000mm, cao hơn gấp 3-5,5 lần so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử. Lượng mưa ngày lớn nhất một số nơi trên 5.00mm.

Do các thiên tai xảy ra trong thời gian dài, liên tiếp, thời gian giữa các đợt thiên tai rất ngắn nên hệ thống hạ tầng, tự nhiên của khu vực bị tổn thương nặng nề. Các hồ chứa đầy nước, mực nước trên các sông luôn ở mức cao, các khu vực dân cư liên tiếp bị ngập sâu, đất bão hòa nước, kém kết dính, trọng lực lớn dễ bị trượt lở. Do đó, khi các đợt mưa lũ liên tiếp xảy ra, tác động và rủi ro thiên tai lớn hơn rất nhiều so với chỉ có một đợt thiên tai.

Ngoài ra, trong tháng 10 tại khu vực miền Trung đã xuất hiện liên tiếp 3 đợt lũ trên khu vực, một số nơi đã có đỉnh lũ vượt mức lịch sử như trên sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên Huế), sông Kiến Giang (Quảng Bình). Ngập lụt sâu, diện rộng, thời gian dài đã xảy ra tại nhiều lưu vực sông, đặc biệt là ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Trượt lở đất đá đã xảy ra nhiều nơi; sạt lở nghiêm trọng tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), huyện Nam Trà My và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) làm nhiều người chết và mất tích.

Địa phương bị bão lũ vướng khó khăn gì khi khắc phục hậu quả thiên tai? - 2

(Đồ họa: Ngọc Diệp)

Địa phương bị bão lũ vướng khó khăn gì khi khắc phục hậu quả thiên tai? - 3

Mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung và Tây Nguyên. (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Theo số liệu của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất từ ngày 6/10 đến 25/10 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 130 người chết, 18 người mất tích. 

Chỉ tính riêng thiệt hại do bão số 9 ở khu vực miền Trung, tính đến 7h ngày 2/11, đã có 36 người chết, 46 người mất tích. Hiện vẫn duy trì hơn 7.000 người với hơn 100 phương tiện để nỗ lực tìm kiếm người còn mất tích.