1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đi trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư cũng phải đóng phí?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo hồ sơ thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư. Hồ sơ này là căn cứ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương thu phí.

Dự thảo gồm 2 nội dung chính. Thứ nhất, áp dụng thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác; thực hiện theo cơ chế phí.

Đi trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư cũng phải đóng phí? - 1

Các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư hiện đã đưa vào khai thác nhưng chưa thu phí (Ảnh: Ngọc Tân).

Thứ hai, số tiền thu phí được nộp vào ngân sách nhà nước trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư vào dự án đầu tư (nếu có).

Để đủ điều kiện pháp lý cho việc thu phí đường cao tốc, Bộ GTVT đề xuất bổ sung thêm 2 loại phí trong danh mục phí, lệ phí gồm: "Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" và "Phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư".

Về lý do phải thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư, Bộ GTVT đưa ra 3 luận điểm:

Thứ nhất, việc sử dụng đường cao tốc mang lại lợi ích cho chủ phương tiện, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Thứ 2, nhà nước cần nguồn vốn đầu tư và kinh phí quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Thứ 3, việc không thu phí đường cao tốc sẽ gây ra tác động xấu như lưu lượng xe trên cao tốc tăng cao, làm giảm vận tốc, giảm hiệu quả khai thác, ảnh hưởng đến các dự án BOT song hành...

Bộ GTVT cho biết hiện các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư chưa lắp đặt hệ thống trạm thu phí. Trên cơ sở các đề án khai thác cho từng đoạn/tuyến cao tốc được duyệt, hệ thống trạm thu phí sẽ được đầu tư từ các nguồn vốn phù hợp (vốn đầu tư công; nguồn thu phí; nguồn vốn của nhà đầu tư ...).

Hoạt động quản lý, khai thác đường cao tốc sử dụng nguồn nhân lực hiện có của ngành giao thông vận tải nên không phát sinh thêm nguồn nhân lực, tài chính cho hoạt động quản lý, khai thác.

Thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã có yêu cầu nghiên cứu thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.

"Việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra", Bộ GTVT nêu trong tờ trình gửi Chính phủ.