1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đi săn... chuột đồng

(Dân trí) - Chuột đồng không chỉ là món ăn “khoái khẩu” mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho mỗi ngày đi săn. Nhiều nông dân huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đổ xô ra đồng đi săn chuột về bán và làm món ăn chính trong bữa cơm gia đình...

Cả làng ra đồng “săn chuột”

Những ngày này, tại cánh đồng của các xã như Hoằng Vinh, Hoằng Anh, Hoằng Thịnh, Hoằng Minh, Hoằng Thái…huyện Hoằng Hóa tuy không phải là ngày mùa nhưng luôn có đông người. Từng nhóm người tỏa đi khắp cả các cánh đồng để tìm và săn bắt chuột đồng.

Đổ nước vào hang chuột là cách bắt dễ dàng mà không mất nhiều sức.
Đổ nước vào hang chuột là cách bắt dễ dàng mà không mất nhiều sức.

Theo chân những người đi bắt chuột đồng, chúng tôi mới biết rõ: Nghề đi săn bắt chuột đồng về làm món ăn và đem bán của người dân địa phương nơi đây có từ rất lâu. Hàng năm, sau khi thu hoạch mùa xong là người dân lại tập trung đổ xô đi săn chuột đồng về ăn thịt và bán.

Có mặt tại thôn 6 và thôn 7 xã Hoằng Vinh, đây được cho là hai thôn có đội quân “tinh nhuệ” về săn chuột đồng nhất. Cả làng có đến hàng trăm người chia làm nhiều nhóm đi săn bắt chuột. Mỗi nhóm từ 3 - 5 người. Từ sáng sớm họ tỏa đi khắp các cánh đồng, chiều đến lại về cùng nhau làm thịt chuột.

Đồ nghề săn chuột đồng chỉ là những nông cụ thô sơ bình thường như cuốc, thuổng, xô chậu, dỏ… Anh Lê Văn Tuấn một thợ săn chuột nhiều năm ở thôn 7 chia sẻ: “Để bắt được chuột thì có rất nhiều phương pháp, đa số chúng tôi ở đây đều dùng cách đổ nước. Sau khi tìm hang chuột rồi đổ nước vào cho ngập đầy hang. Chuột bị ngập nước liền lao ra thì bị dính bẫy dăng khắp các ngách hang khác”.

Ngoài cách đổ nước bắt chuột thì những người săn bắt chuột đồng còn có những cách khác như: dùng cuốc, thuổng đào hang chuột cho tới nơi chuột ở, đốt rơm hun khói vào hang chuột và ban đêm soi đèn bắt chuột. “Những cách này mất nhiều công sức hơn là cách đổ nước. Nếu dùng cách đào hang bắt sẽ đánh động, chuột chạy ra hết hay đi săn ban đêm cũng rất khó bắt được nhiều chuột. Đổ nước đỡ tốn thời gian lại không mất nhiều sức lực mà có thể bắt hết chuột trong hang dễ ràng”, anh Tuấn nói.

 Các nhóm từ 3 - 5 người cùng nhau đi săn bắt chuột đồng.
 Các nhóm từ 3 - 5 người cùng nhau đi săn bắt chuột đồng.

 Một con chuột đồng bị bắt.
 Một con chuột đồng bị bắt.

Nhóm của anh Tuấn có 5 người, đây đều là những anh em họ hàng. Sau một ngày đi săn bắt chuột về, họ lại cùng nhau làm thịt chuột. Những người phụ nữ ở nhà nấu nước, làm công tác chuẩn bị để tham gia làm thịt chuột và sau đó bán thịt chuột. Số thịt chuột dư lại thì đem chia cho từng nhà về thưởng thức.

Cùng nhóm đi săn bắt chuột với anh Tuấn có anh Lê Văn Thụy cũng có nhiều năm trong nghề. Anh Thụy cho biết: “Anh em tôi tranh thủ lúc nông nhàn nên đi bắt chuột về làm món ăn, nhiều thì đem bán cho ai có nhu cầu ăn thịt chuột. Những ngày này có nhiều chuột vì thời tiết lạnh chuột vô hang ở nhiều, nên bắt được nhiều hơn”.

Gần một tháng nay, chủ đề chính trong câu chuyện của những người nông dân nơi đây đều nói về chuột. Ra đường người ta gặp nhau đều hỏi về chủ đề chuột. Hay ngay trong bữa cơm mỗi gia đình cũng có thịt chuột là món ăn chính.

Thu nhập cao từ chuột đồng

Để có một kilôgam thịt chuột bán ra, người săn bắt và làm thịt chuột phải trải qua các công đoạn. Từ việc đi săn chuột ngoài đồng về nhúng nước sôi vặt lông sạch sau đó đem thui và dùng dẻ khô lau sạch sẽ mới mổ bụng tách riêng từng bộ phận để lấy thịt bán.

 Cả nhà cùng tham gia làm thịt chuột.
 Cả nhà cùng tham gia làm thịt chuột.

Bình quân mỗi ngày đi bắt được từ 10 - 20 kg chuột sống, tùy thuộc vào từng ngày gặp được nơi nhiều chuột hay ít. 10kg chuột sống sau khi làm thịt vứt bỏ các bộ phận không sử dụng còn lại được khoảng 6 - 7 kg thịt chuột. Mỗi kg thịt chuột giá bán ra thị trường hiện tại từ 60 - 80 nghìn đồng/kg.

“Trong làng tôi, rồi làng bên có đến cả trăm người đi săn chuột đồng về bán nhưng cũng không đủ cho người đến mua. Khách tìm đến mua không chỉ các xã lân cận, hay ngoài thị trấn Bút Sơn, mà còn có người thành phố hỏi thăm về mua. Người này ăn thấy ngon rồi lại truyền tai nhau cho người kia mua nên thịt chuột đồng rất đắt hàng”, anh Thụy tâm sự.

Anh Lê Văn Dũng xách trên tay một dỏ đầy chuột từ ngoài đồng về khoe: “Đi bắt từ đầu giờ chiều tới giờ được gần 20kg. Từ đầu mùa đến giờ tôi đi bắt chuột gần 20 ngày thu nhập từ nghề bắt chuột làm thịt đem bán cũng được hơn hai triệu rồi, nhưng chưa bằng năm ngoái, tôi đi bắt một tháng mà được gần 4 triệu”.

Chúng tôi đến nhà anh Dũng để được chứng kiến tậm mắt các công đoạn làm thịt chuột. Sau khi anh Dũng mang chuột từ ngoài đồng về thì mỗi người một việc, người vặt lông, người thui chuột, người mổ bụng, người cân chuột bán, nhà anh Dũng trở nên như một lò giết mổ chuột chuyên nghiệp.

Thui chuột bằng rơm khô.
Thui chuột bằng rơm khô.

Mỗi kg thị chuột đồng có giá từ 60 - 80 nghìn đồng.
Mỗi kg thị chuột đồng có giá từ 60 - 80 nghìn đồng.

Thịt chuột làm xong đến đâu là có người đến mua tới đó, chẳng mấy chốc mà hơn 20kg chuột mới bắt ngoài đồng về làm thịt xong không còn con nào. Một buổi chiều đi bắt chuột về anh Dũng ước tính mỗi người trong nhóm anh được 300 nghìn. Cộng cả buổi sáng ngày hôm nay có thu nhập cao gần 500 nghìn/ ngày.

Mỗi ngày đi bắt chuột về bán bình quân ngày nhiều bù ngày ít cũng cho thu nhập từ 100 - 300 nghìn đồng/người. Đi bắt chuột đồng về bán đang là nghề “hot” và cho thu nhập cao ở xã Hoằng Vinh. Đàn ông con trai thì ra đồng bắt chuột, đàn bà ở nhà nấu nước làm thịt chuột rồi đem bán. Từ người già đến trẻ ở thôn 7, xã Hoằng Vinh đều biết làm thịt chuột và chế biến nhiều món ăn từ chuột. Thịt chuột có thể chế biến ra nhiều món khác nhau như: Chuột nấu giả cầy, chuột nướng, chuột hon, chuột chiên dòn, chuột xào sả ớt…

Nghề săn chuột không chỉ diệt đi được một lượng lớn chuột thường xuyên phá hại lúa và hoa màu, mùa màng của nông dân. Món thịt chuột còn là món ăn khoái khẩu của người dân nơi đây. Săn bắt chuột làm thịt đem bán còn kiếm thêm thu nhập kinh tế cao cho người nông dân trong những ngày nông nhàn.

Thái Bá - Duy Tuyên