Quảng Bình:
Đi lấy sách vở, hai anh em bị lũ cuốn trôi
(Dân trí) - Đầu giờ chiều 15/10, thông tin UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn vừa có hai học sinh bị lũ cuốn trôi, mất tích.
Theo đó, vào khoảng 8 giờ 30 phút sáng 15/10, hai anh em Phạm Hoàng Phương (học sinh lớp 5) và Phạm Anh Tuấn (đang học mẫu giáo), là con của vợ chồng anh Phạm Xuân Thiện và chị Hoàng Thị Dung ở thị trấn Hoàn Lão, rời nhà đi lấy sách vở.
Khi đi đến đoạn qua cầu Hói (tiểu khu 9, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch), do nước ngập sâu, dòng chảy xiết nên 2 anh em Phương và Tuấn đã bị nước cuốn trôi.
Nhiều người dân sống gần đó phát hiện và đã kịp thời cứu được em Phạm Anh Tuấn, còn em Phạm Hoàng Phương hiện vẫn đang mất tích.
Trước đó, vào trưa ngày 14/10, em Hồ Thị Long (13 tuổi), ở bản Rào Con, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch trên đường đi qua các ngầm, suối nhỏ để về nhà thì trượt chân ngã và bị nước cuốn trôi.
Các lực lượng chức năng của địa phương đang huy động lực lượng và phương tiện tìm kiếm nạn nhân.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Bình đã có ít nhất 10 người chết và mất tích do mưa lũ.
Chiều ngày 15/10, thông tin từ Phòng GD-ĐT huyện Nam Đàn (Nghệ An) trên địa bàn huyện xảy ra một vụ đuối nước khiến 1 học sinh lớp 8 tử vong.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 8h sáng ngày 15/10. Vào thời điểm trên em Phạm Ngọc Hoàng (học sinh lớp 8C, Trường THCS Nam Kim, Nam Đàn) đi qua bờ ao cạnh nhà. Trời mưa, đường trơn khiến em Hoàng bị trượt chân, bị cuốn theo dòng nước và tử vong. Trên địa bàn huyện Nam Đàn từ chiều qua đến sáng nay diễn ra mưa lớn kéo dài dẫn đến tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi.
Ngay trong buổi sáng ngày 15/10, đại diện UBND huyện Nam Đàn, Phòng GD-ĐT huyện cùng Ban giám hiệu Trường THCS Nam Kim đã đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ gia đình trong việc tổ chức tang lễ cho em Hoàng.
Cũng trong sáng 15/10, trước tình trạng mưa lớn kéo dài gây ngập lụt trên diện rộng, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có Công văn khẩn số 2111 đôn đốc phòng tránh mưa bão gửi các Phòng GD-ĐT, các trường học trên địa bàn tỉnh. Sở GD-ĐT Nghệ An chỉ đạo các trường thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để chủ động đối phó; Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để quyết định cho các em nghỉ học hay đến trường; Sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên và phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học khi xảy ra mưa bão.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải bố trí lực lượng trực tại đơn vị 24/24 giờ để theo dõi, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống áp thấp nhiệt đới và mưa lũ; Phối hợp chặt chẽ với Ban phòng chống lụt bão tại địa phương để ứng cứu kịp thời khi có các tình huống xấu do mưa bão gây ra. Riêng các huyện miền núi, các huyện có sông lớn chảy qua, cần đề phòng lũ ống, lũ quét và nước sông dâng lên bất ngờ; Có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, tổ chức dạy bù cho học sinh sau khi mưa bão chấm dứt.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, trưa ngày 15/10, lũ hạ lưu sông Cả lên chậm, mực nước sông Cả tại Nam Đàn khả năng ở mức 3,5m, cần đề phòng lũ lớn và ngập lụt ở thượng lưu các sông suối nhỏ như sông Hiếu, sông Rỗ, sông Gianh (Nghệ An)…
Mưa lớn trong thời đoạn ngắn nên đề phòng khả năng xẩy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng và nguy cơ cao xẩy ra sạt lở đất ở trung du và vùng núi các tỉnh Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn.
Đặng Tài - Hoàng Lam