1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Di dời nhà máy cũ, Hà Nội dự kiến làm khu đô thị

Hà Mỹ

(Dân trí) - Lý giải nguyên nhân hai phường thuộc quận Thanh Xuân không phải sáp nhập, Hà Nội cho biết hai phường có nhiều nhà máy thuộc diện di dời, sau đó sẽ làm khu đô thị quy mô 46.000-48.000 dân.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 được UBND TP Hà Nội trình Bộ Nội vụ, thành phố có 67 phường, xã đảm bảo yếu tố diện tích tự nhiên và quy mô dân số thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù. Do đó, các địa phương này không sáp nhập trong giai đoạn tới. 

Cụ thể, Hà Nội điểm tên nhiều phường là địa phương trọng điểm về quốc phòng như: Phúc Xá, Điện Biên, Quán Thánh, Liễu Giai, Đội Cấn, Ngọc Hà (quận Ba Đình); Hàng Bột, Láng Hạ, Nam Đồng, Quang Trung (Đống Đa)...

Bên cạnh đó, một số địa phương có nhiều di tích lịch sử, truyền thống văn hóa hoặc địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt gồm các phường: Vĩnh Phúc, Cống Vị, Giảng Võ, Ngọc Khánh (Ba Đình); Khương Mai, Phương Liệt, Khương Trung (quận Thanh Xuân)...

Tại quận Hoàn Kiếm, 18 phường của quận này đều thuộc một trong hai diện trên. Do đó không có đơn vị hành chính nào sáp nhập trong giai đoạn tới.

Di dời nhà máy cũ, Hà Nội dự kiến làm khu đô thị - 1

Hà Nội dự kiến làm khu đô thị trên nền các nhà máy cũ sau khi di dời (Ảnh: Hạ Vũ).

Đáng lưu ý, tại quận Thanh Xuân, phường Thượng Đình có nhiều nhà máy lớn như Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội thuộc diện di dời. UBND TP Hà Nội cho biết sau khi di dời, các khu đô thị sẽ được xây dựng với quy mô dân số dự kiến 46.000 người, từ đó đạt 306,7% so với tiêu chuẩn. 

Tương tự tại phường Thanh Xuân Trung, ngoài nhiều trường đại học và hơn 2.500 doanh nghiệp kinh doanh, địa phương còn có nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông và giày Thượng Đình thuộc diện di dời. 

"Sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị, dự kiến quy mô dân số 48.000 người, đạt 320% so với tiêu chuẩn", UBND TP Hà Nội nêu rõ. 

Nhiều yếu tố đặc thù khác cũng được Hà Nội đưa ra để lý giải nguyên nhân các phường không thuộc diện sắp xếp lại trong giai đoạn này, bao gồm: tình hình dân cư phức tạp, vị trí biệt lập, địa bàn nhiều ngõ ngách nhỏ, tập trung nhiều bệnh viện tuyến Trung ương hoặc trường đại học... 

Với 5 huyện dự kiến lên quận là Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì, thành phố ủy quyền cho huyện lập hồ sơ đề án thành lập quận và các phường thuộc quận. Trên cơ sở đó, địa phương tính toán phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp. 

Theo phương án này, sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố giữ nguyên 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn. 

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết sau khi sắp xếp, thành phố sẽ phải thực hiện bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công tương đối lớn. 

Hiện, các xã phường thuộc diện sắp xếp đã lên kế hoạch niêm yết danh sách cử tri, chuẩn bị cho công tác lấy ý kiến sau một tháng tới. Nội dung thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn cũng dự kiến được HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp chuyên đề cuối tháng 3.