1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Di dời cảng xưa nhất Sài Gòn

(Dân trí) - Nằm trong kế hoạch di dời cảng biển ra khỏi nội thành, ngày 16/5, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã chính thức khởi công xây dựng, nhằm di dời hệ thống xếp dỡ hàng hóa của Cảng Sài Gòn cũ ra đây.

Di dời cảng xưa nhất Sài Gòn - 1
Thương cảng gần 150 tuổi sẽ dời ra bờ sông Soài Rạp.

Cảng Sài Gòn được xây dựng từ năm 1860 với cái tên ban đầu là Thương cảng Sài Gòn, là thương cảng hiện đại đầu tiên của Sài Gòn mà cũng có thể là cả Việt Nam. Suốt gần 150 năm tồn tại, cảng Sài Gòn đã giúp thành phố trung tâm của miền Nam mở rộng giao thương với các nước, vận tải hàng trăm triệu tấn hàng hóa…

Sau nhiều năm phát triển, đến nay, cảng Sài Gòn có tổng diện tích mặt bằng là 570.000 m2, gồm 5 bến cảng (Nhà Rồng, Khánh Hội, Tân Thuận I, Tân Thuận II và Cần Thơ) với 2.830 m cầu tàu, 250.000 m2 bãi, và 80.000 m2 kho hàng.

Tuy nhiên, khi TPHCM ngày càng mở rộng, khu trung tâm ngày càng chật chội, việc tồn tại các thương cảng lớn ngay trong khu trung tâm trở thành gánh nặng cho hạ tầng và hệ thống giao thông. Vậy nên, Chính phủ đã phê duyệt đề án di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi khu trung tâm. Đơn vị đầu tiên thực hiện là Tân cảng Sài Gòn, đã chuyển phần lớn ra cảng Cát Lái. Nay là cảng Sài Gòn.

Toàn bộ dự án cảng Sài Gòn tại khu đô thị cảng Hiệp Phước có tổng diện tích khoảng 100 ha, chiều dài bến 1.800 m với năng lực xếp dỡ khoảng 18 triệu tấn hàng hóa một năm, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT khi sông Soài Rạp được nạo vét xong. Khu vực này sẽ phục vụ cho việc di dời 2 bến cảng Nhà Rồng và Khánh Hội.

Theo ông Lê Công Minh thì cảng Sài Gòn còn nhiều dự án di dời khác, nhưng riêng phần di dời ra cảng Sài Gòn - Hiệp Phước này mới là phần chính yếu và mang dáng dấp cảng Sài Gòn xưa đến nay.

Vì tại đây vẫn sẽ phát triển hệ thống xếp dỡ hàng xá (hàng rời), mặt hàng truyền thống mà cảng đã khai thác hàng trăm năm nay, ít lợi nhuận và hầu như không một cảng hiện đại nào đầu tư nữa.

Tuy mặt hàng này mang lại ít lợi nhuận, nhưng các loại tàu này chuyên chở phân bón, nông sản… rất cần cho sự phát triển của nền nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cảng Sài Gòn vẫn phát triển trọng tâm vào loại hình bốc xếp hàng xá.

Trong giai đoạn 1, cảng sẽ xây dựng trên khu đất rộng gần 54ha. Khu cảng này sẽ có 3 cầu cảng dài khoảng 800m, có khả năng tiếp nhận khoảng 8,7 triệu tấn hàng hóa/năm (tương đương Cảng Nhà Rồng và Khánh Hội).

Dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ đưa 200m cầu cảng trong 800m cầu này vào hoạt động. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2.730 tỷ đồng.

Tùng Nguyên