1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đi chợ phiên ngày Tết, tìm một chút nét xưa

(Dân trí) - Trong phiên chợ huyện cuối cùng trong năm, giữa cái ồn ào náo nhiệt ta bắt gặp những khoảng lặng mà rất đỗi bình yên. Những món hàng đã trở thành xưa cũ, xa lạ với lớp trẻ ngày này vẫn được bày bán dù thoảng hoặc mới có người mua. Những món đồ gợi nhớ một thủa khó khăn, thiếu thốn đủ bề...

cho que - nguoi.jpg
Chợ Dinh là phiên chợ huyện lớn nhất huyện Yên Thành (Nghệ An). Chợ họp mỗi tháng 3 phiên, vào các ngày mùng 9, 19, 29 hàng tháng. Phiên chợ ngày 29 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng trong năm nên người dân ùn ùn đổ về chợ Dinh. Người đi mua sắm những thứ còn thiếu cho gia đình nhưng cũng có nhiều người đơn giản là đi chơi chợ Tết để cảm nhận sự náo nhiệt, ồn ã của phiên chợ cuối cùng trong năm.
cho que 1.jpg

Người bán bày bán trên tấm bạt trải dưới đất, người mua ngồi xổm để chọn lựa. Các thức hàng để bày biện bàn thờ ngày Tết đông khách hơn cả.

cho que 6.jpg
Người mẹ trẻ đưa 3 cô con gái đi sắm đồ Tết. Chọn được 3 chiếc váy hồng giống hệt nhau, chị em xúng xính diện đồ mới đi sắm giàu dép để chơi Tết.
cho que 4.jpg
Khu vực bán câu đối đỏ, tranh dán tường... đã bắt đầu thưa thớt người mua. Ngày nay, những ngôi nhà xây to đẹp dường như không còn chỗ để đóng đinh treo câu đối đỏ...
cho Tet - banh ke.jpg
Khu vực bán quà ăn vặt vẫn là nơi hấp dẫn đám trẻ nhỏ theo bố mẹ đi chợ Tết.
1  cho que.jpg
Chiếc bánh được bao ngoài bởi 1 chiếc bánh đa giòn rụm, phết một lớp nếp dẻo, phủ thêm một lớp đậu xanh thơm bùi được bán với giá 5.000 đồng. Thức quà vặt này hiện nay không có nhiều đứa trẻ được thưởng thức.
Cho Tet 13.jpg

Những chiếc đèn dầu gợi nhớ về một thời thiếu thốn, khó khăn, khi người dân chưa có điện lưới để dùng. Hiện nay, đèn dầu vẫn được bán để thắp lên bàn thờ 3 ngày Tết nhưng cũng không có nhiều nhà sử dụng bởi họ dùng đèn điện hoặc nến tiện lợi hơn.

cho que 16.jpg
Một cụ bà bán những vỏ con sam biển. Theo lời cụ, vỏ con sam biển này có tác dụng "trừ tà", trừ xui xẻo, mang lại bình yên, may mắn cho gia chủ khi treo nó trong nhà. Mỗi vỏ sam có giá 30 nghìn nhưng rất ít người mua.
cho que 2.jpg

Mẹ già cần mẫn quét những lớp dầu bóng lên chiếc nón - vật dụng trước đây hầu hết phụ nữ Việt đều có. Thế nhưng hiện nay, hầu như chỉ còn phụ nữ nông thôn sử dụng nón để đội đầu khi đi làm đồng.

Cho Tet 15.jpg
Ở một góc chợ, người phụ nữ này chụm bếp, bắc nồi để nhuộm quần áo thuê. Cách đây khoảng 20 năm, những chiếc quần bạc màu nhưng chất lượng vẫn còn tốt sẽ được mang đi nhuộm để tái sử dụng. Ngày nay rất ít người nhuộm lại quần áo cũ để mặc, trừ những người quá khó khăn, không thể sắm cho mình bộ quần áo mới diện trong dịp Tết.
Cho Tet 11.jpg
Trái với sự náo nhiệt, ồn ã ở đầu chợ, khu vực bán đồ thủ công cuối chợ lại khá im ắng...
cho tet 3.jpg
Một đôi quang gánh, một chiếc thúng, dường như người mẹ này lo toan cho những ngày vất vả làm việc sau Tết hơn là sắm sửa cho 3 ngày Tết đang cận kề.
Cho Tet 10.jpg
Người thợ thủ công già vẫn cần mẫn với công việc của mình. Bằng bàn tay khéo léo, từ những thân tre cật, ông đan thành những chiếc thúng hay đơn giản là vót những đôi đũa để "kiếm ít đồng".
cho que 9.jpg
Một buổi dạo chợ phiên cuối năm, cha con ông Lê Xuân Tác (Yên Thành) chọn mua được 1 chiếc nơm chắc chắc. "Chiếc nơm này nhốt gà cúng đêm 30, ra Tết đi úp cá Xuân", người đàn ông này vui vẻ cho biết.
cho Tet 12.jpg

Những chiếc rế đặt trong chiếc gióng con con. Đây là vật dụng để treo những nồi thức ăn ngày Tết lên cao để tránh bị chuột hay chó mèo ăn vụng. Ngày nay, tủ lạnh đã thay thế chúng để bảo quản thức ăn. Có lẽ, chỉ vài năm nữa, những chiếc gióng treo thức ăn này cũng sẽ biến mất trong những phiên chợ quê...

Hoàng Lam