1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đi ăn cơm 25.000 đồng nhưng “tặng nhau” phong bì hàng nghìn USD!

(Dân trí) - “Cả nước Nga rộng như thế mà chỉ có hơn 1,2 vạn người thuộc diện kê khai tài sản, trong khi chúng ta có hơn 1 triệu người kê khai tài sản. Nhưng vấn đề của chúng ta là kê khai nhưng không công khai, lại không “truy nguyên”. Kê khai xong cất trong tủ, thi thoảng lôi ra”- Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói.

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/3, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết vừa qua báo cáo của các bộ ngành, địa phương gửi về Thanh tra Chính phủ đều nói không có việc tặng quà và nhận quà Tết trái quy định. Tuy nhiên trên thực tế thì nhân dân không công nhận điều này.

“Tặng quà bây giờ cần gì phải tặng vào ngày Tết. Đi ăn cơm 25.000 đồng người ta cũng có thể tặng nhau phong bì hàng nghìn USD được”- ông Đạt nêu ví dụ.

Theo ông Đạt, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận 56 nguồn tin tố cáo về việc tặng quà Tết, trong đó có 16 nguồn tin kiểm tra có cơ sở. Tuy nhiên đến nay chưa có chế tài hình sự để xử lý vấn đề này.

Ông Đạt đề nghị Bộ Tư pháp đánh giá trong số 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng đến nay đã làm được cái gì, cái gì chưa được và làm được thì ở mức nào.

“Chẳng hạn như việc kê khai tài sản nói bây giờ là hình thức, vậy tại sao ta cứ để mãi thế không sửa? Cả nước Nga rộng như thế mà chỉ có hơn 1,2 vạn người thuộc diện kê khai tài sản, trong khi chúng ta có hơn 1 triệu người kê khai tài sản. Nhưng vấn đề của chúng ta là kê khai nhưng không công khai, lại không “truy nguyên”. Kê khai xong cất trong tủ, thi thoảng lôi ra. Kê khai tài sản, thu nhập phải minh bạch và quản lý được thì hãy kê khai”- ông Đạt nhấn mạnh.

Quyền Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện khẳng định sau khi có quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng, các cơ quan có sử dụng ngân sách và cán bộ công chức của Bộ Tư pháp đều thực hiện nghiêm túc nên không có trường hợp nào làm trái với quy định của pháp luật.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy trong 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp ít xảy ra tham nhũng. Qua công tác kiểm tra nội bộ tại các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp đã phát hiện và xử lý 22 trường hợp. Công tác thanh tra của Bộ Tư pháp đã tập trung vào một số lĩnh vực công tác có thể có những sơ hở hoặc nhũng nhiễu làm nảy sinh hành vi tham nhũng như: công tác tổ chức cán bộ, quản lý ngân sách, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản… nhằm chấn chỉnh, khắc phục nghiêm túc, kịp thời hạn chế tồn tại. Qua công tác thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành 33 quyết định thu hồi với tổng số tiền là trên 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Diện khẳng định hành vi tham nhũng hiện nay được đánh giá là diễn biến phức tạp, nhưng các vụ việc phát hiện, xử lý còn hạn chế. Việc thu hồi tài sản do tham nhũng còn chưa làm tốt, việc kê khai tài sản hiện nay còn nặng nề hình thức. Trong khi đó, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, phương tiện công việc và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý tham nhũng còn bất cập. Cơ quan thanh tra khi phát hiện hành vi tham nhũng phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra dẫn đến chưa kịp thời trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Trong khi đó, ông Phan Anh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp nêu thực tế, thu nhập cán bộ công chức hiện rất thấp nhưng các khoảng ngoài lương rất nhiều từ hội họp, viết đề tài... Vì vậy việc kiểm soát tài sản, thu nhập qua tài khoản ATM không chỉ là từ tiền lương mà phải kiểm soát tất cả thu nhập được gửi vào tài khoản đó.

Ông Nguyễn Quang Thái - Phó cục phó trưởng Cục Thi hành án Hà Nội cho rằng dù thi hành án là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng nhưng nhờ “phòng là chính” nên thời gian qua Hà Nội không phát sinh trường hợp tham nhũng nào (!). Việc đầu tiên để phòng chống tham nhũng, theo ông Thái, là xác định đúng vấn đề dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực và nhận diện rõ. Thi hành án liên quan đến người dân nên phải lắng nghe người dân để phát hiện và ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu.

Hoàn thiện quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Bộ Tư pháp đề xuất việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng cần mở rộng khái niệm quà tặng bao gồm cả lợi ích vật chất và các các lợi ích khác, đồng thời quy định rõ về định mức quà tặng tối đa và trách nhiệm kê khai, thông báo việc nhận quà tặng. Bên cạnh đó phải hoàn thiện quy định về bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin vụ việc tham nhũng nhằm tạo điều kiện để người dân, cán bộ, công chức mạnh dạn tố cáo tham nhũng.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Trần Văn Dũng nêu thực trạng xung quanh việc thi hành án dân sự đối với các vụ án tham nhũng chỉ dựa trên bản án đã tuyên, trong khi trước khi có bản án đã trải qua nhiều giai đoạn nên tài sản dễ bị tẩu tán. “Chúng ta hiện không có cơ chế đăng ký tài sản của cán bộ, nên phải xây dựng cơ chế liên hoàn để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả”- ông Dũng nêu vấn đề.

Thế Kha