1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Đến nước này mà Bộ trưởng chưa từ chức?

"Liên quan đến PMU18, dư luận xã hội đã nói rất nhiều và tôi thấy mọi chuyện cũng đã đi đến giới hạn. Chứng kiến những gì xảy ra thì ai cũng thấy rằng việc những người có trách nhiệm từ chức là con đường tốt nhất". Đó là ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc.

Ông Quốc viết tiếp:

Tuy nhiên tôi rất băn khoăn vì sao quan chức của ta quá khó khăn như vậy trong việc từ chức. Tôi cho rằng việc từ chức đã trở thành một phương thức mà ở đó ẩn chứa cả yếu tố văn hóa.

Tôi đã từng nói tới văn hóa từ chức tại diễn đàn Quốc hội. Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa nhưng tôi nói nôm na thế này (trong phạm trù từ chức): văn hóa là biết xấu hổ. Chưa nói đến vụ PMU18 đang diễn ra, báo chí vừa nhắc đến một việc: khi diễn ra thảm họa đổ tàu hỏa ở Lăng Cô thì ông Bộ trưởng đang làm gì (ông bộ trưởng bận đi tắm bùn)?

Mới đây, ông thủ tướng Hàn Quốc cũng có một hành động thiếu trách nhiệm với một sự việc xảy ra - mặc dù vào ngày nghỉ - nhưng khi dư luận lên tiếng thì ông đã chọn con đường từ chức. Điều đó để thấy: vậy thì ông Bộ trưởng của ta chẳng có lý do gì để không từ chức. Còn trách nhiệm cụ thể là việc khác, của ai, cấp nào, việc đó là khác nữa.

Hình như chuẩn giá trị xã hội ở ta hiện nay nhận thức rằng: quan chức chỉ có con đường quan chức, không có con đường trở thành dân thường. Trong thực tế thì quan chức có giá trị của quan chức, thường dân có giá trị của thường dân. Trong một số trường hợp, như Chu Văn An trở về núi Chí Linh mở trường dạy học thì giá trị thường dân của ông lớn hơn rất nhiều khi ông làm quan.

Năm trước, vì nhiều lý do, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ từ nhiệm và ông đã nhận được sự chia sẻ nhiều từ nhân dân. Còn trong trường hợp như hiện nay tôi rất lấy làm lạ vì sao đã đến nước như thế này mà vẫn im hơi lặng tiếng (Bộ trưởng GTVT chưa nghĩ đến việc từ chức). Còn nói rằng “chưa có cơ chế”? Chẳng có cơ chế nào cho lòng tự trọng cả! Lòng tự trọng là phẩm chất của con người.

Song chính qua sự việc này, tôi nghĩ Nhà nước nên xây dựng một cơ chế về giá trị và bản thân mỗi người hành xử theo giá trị đó. Theo đó, chúng ta phải trở lại và giáo dục mạnh mẽ hơn nữa sự liêm sỉ, điều mà chúng ta còn thiếu, đã mất mát nhiều. Có thể thấy hiện nay người ta có thể hứa, có thể nói dối rất thản nhiên mà không chút xấu hổ.

Không phải tự nhiên mà tại Quốc hội tôi từng đề nghị: khi nhậm chức cần phải tuyên thệ. Đó là một tập quán phổ biến của mọi nền chính trị ở mọi thời kỳ. Gần nhất với chúng ta là hòn đá thề ở Tân Trào.

Có lẽ chính vì sự tuyên thệ đó nên chúng ta đã có một thế hệ lãnh đạo mà ngày nay chúng ta vẫn trân trọng. Tuyên thệ là một việc bình thường. Không tuyên thệ mới là việc không bình thường với truyền thống của dân tộc.

Có một thực tế: sự thành đạt của một số người không phải do năng lực, phấn đấu mà là chạy chọt, mua chức mua quyền. Với những người này, thật khó nói chuyện liêm sỉ. Đó còn là cái lỗi của việc cất nhắc, bổ nhiệm.

Chẳng hạn ở PMU18, tại sao những con người như thế nhưng từ bộ máy chính quyền đến bộ máy Đảng đều vẫn cất nhắc, bầu bán một cách “đúng qui trình”? Đây là cơ hội xem xét lại toàn bộ việc này khi mà việc mua quan bán chức không còn là chuyện xa lạ.

Dương Trung Quốc
Đ.Đ. - V.H.Q. ghi
Báo Tuổi trẻ