1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Đào Đình Bình kiểm điểm gì trước Thủ tướng?

(Dân trí) - Trước những sự việc động trời tại PMU18, Bộ trưởng Đào Đình Bình chỉ nhận trách nhiệm là “chưa nghiêm khắc, thiếu kiên quyết và nhạy bén”, những phần còn lại của bản kiểm điểm mà Bộ trưởng gửi Chính phủ được biến thành một bản… báo cáo thành tích.

Ngày 23/2/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn yêu cầu Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GTVT kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm về việc liên quan đến những sai phạm của PMU18. Ngày 29/3, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã ký công văn gửi Thủ tướng để kiểm điểm trách nhiệm  của Lãnh đạo Bộ GTVT.

 

Trong 7 trang kiểm điểm, không hề thấy bóng dáng trách nhiệm của Bộ trưởng đâu, chỉ thấy trách nhiệm chung chung và chủ yếu là “lãnh đạo Bộ thiếu kiên quyết, thiếu nhạy bén, chưa nghiêm khắc…”. 

 

Mở đầu cho bản kiểm điểm của cá nhân Bộ trưởng và lãnh đạo bộ là phần phân công trách nhiệm. Phần này đã liệt kê tất cả những gì mà “ai cũng hiểu chỉ mình Bộ trưởng tưởng mọi người không hiểu”, nên đã nêu chi tiết từng phần công việc cụ thể của từng thứ trưởng, còn Bộ trưởng như thể người… ngoài cuộc.

 

Phần hai là kiểm điểm trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT  đối với vụ việc xảy ra ở PMU18, phần này được chia làm 4 mục nhỏ. Trong đó, vấn đề công tác quản lý cán bộ được khẳng định “thực hiện theo đúng các qui định của TW và Chính phủ”. Và để cho thấy trách nhiệm của mình “bé lắm”, ông Bộ trưởng nhận định: “Theo phân cấp quản lý cán bộ, trong các đối tượng của PMU18 bị bắt giữ, chỉ có Bùi Tiến Dũng là cán bộ thuộc diện Bộ GTVT quản lý”. Nói như vậy có nghĩa là Bộ trưởng và lãnh đạo bộ chỉ chịu trách nhiệm với riêng phần tội của Bùi Tiến Dũng (?), còn những đối tượng khác trong bộ bị bắt giữ và những thất thoát, sai phạm tại PMU18 thì không liên quan gì đến Bộ trưởng.

 

Kiểm điểm về trách nhiệm trong phần này, chỉ còn thấy “Ban cán sự và lãnh đạo bộ” chứ tuyệt nhiên không thấy trách nhiệm riêng của người đứng đầu đâu. Những nhược điểm, thiếu sót được kiểm điểm “một cách nghiêm túc” như sau: “Công tác nắm thông tin về cán bộ qua quần chúng còn kém, thiếu nhạy bén nên không phát hiện được những quan hệ xã hội không lành mạnh cũng như những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực của Bùi Tiến Dũng…”.

 

Phần kiểm điểm về công tác quản lý tài chính, lãnh đạo Bộ tự khen mình như sau: “Trong quá trình phê duyệt tài chính của các dự án, đặc biệt là quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, Bộ GTVT tuân thủ chặt chẽ các qui định của Nhà nước”. Sau đó bản kiểm điểm biến thành bảng liệt kê hàng loạt những thông tư, quyết định… của các bộ, ngành và của chính Bộ GTVT.

 

Không hiểu với cách quản lý “chặt chẽ” về tài chính như thế này của Bộ, Bùi Tiến Dũng đã lấy đâu ra hàng triệu USD để đánh bạc và bao gái.

 

Phần quản lý tài sản, “quả bóng” trách nhiệm được đá một cách điệu nghệ sang Ban quản lý các dự án : “Các Ban quản lý dự án là đại diện cho chủ đầu tư (Bộ GTVT), và chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về toàn bộ quá trình thực hiện dự án, trong đó có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản…”. Như vậy là chỉ với câu nói này, toàn bộ những sai phạm nghiêm trọng về mua sắm tài sản, sử dụng ôtô sai mục đích… hoàn toàn thuộc về Bùi Tiến Dũng, người đang ở trong trại tạm giam và chẳng có cách nào để có thể biện minh cho mình.

 

Có lẽ cảm thấy như vậy chưa đủ, công văn của ông Đào Đình Bình còn nhấn mạnh: “Trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, sai phạm như đã nêu trên trước hết là do Bùi Tiến Dũng và một số cá nhân của Ban quản  lý dự án 18”. Còn trách nhiệm của lãnh đạo Bộ chỉ còn là: “… chậm phát hiện các bất hợp lý”. Sau đó, ông Bình còn “tỉa” một chút sang phía Chính phủ: “Công tác quản lý tài sản trong quá trình  triển khai thực hiện dự án chưa được phân công cụ thể cho cơ quan nào (kể cả trong qui định của Chính phủ) nên không phát hiện kịp thời những sai phạm của Bùi Tiến Dũng…”.

 

Về công tác thanh tra, kiểm toán đã thực hiện, “công lao” của lãnh đạo Bộ được nhận định như một bản báo cáo để chuẩn bị… nhận bằng khen: “Đặc biệt là từ cuối 2002 (thời điểm ông Bình trở thành Bộ trưởng- PV) công tác thanh tra, kiểm tra được lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo…”.

 

Kết thúc bản kiểm điểm là phần nhận định về cơ chế quản lý và mô hình tổ chức quản lý dự án. Thời gian tới, các PMU sẽ được cải tiến theo một mô hình khác phù hợp hơn… “Trên đây là kiểm điểm chung tình hình và trách nhiệm của Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ GTVT về vụ án xảy ra ở Ban quản lý dự án 18 (PMU18). Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ xin kiểm điểm nghiêm khắc trước Thủ tướng Chính phủ về những   thiếu sót của Bộ…”.

 

Không thể chấp nhận được một bản kiểm điểm giống như một bản "báo cáo thành tích” nên ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng phải kiểm điểm lại. “Bản kiểm điểm của Bộ trưởng Đào Đình Bình chưa thực sự cầu thị, chưa thấy hết trách nhiệm của người đứng đầu đối với những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại các đơn vị của Bộ trong thời gian qua và chưa tự nhận hình thức kỷ luật trước Đảng và Chính phủ”, Thủ tướng kết luận.

 

Đức Hòa