1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đến cố đô thưởng thức cà phê chim

(Dân trí) - Cà phê chim đang rất phát triển ở Huế, là thú vui tao nhã của người dân đất cố đô. Khách đến quán vừa được thưởng thức cà phê, vừa được thả hồn theo những giai điệu lảnh lót của các loài chim.

Dạo một vòng quanh thành phố Huế, không khó để tìm ra những quán cà phê với thú chơi chim cảnh được nêu rõ ở ngay cái tên của quán. Ở bờ Bắc sông Hương có quán cà phê Tịnh Tâm gắn liền với câu lạc bộ (CLB) chim chào mào Tịnh Tâm; cà phê giải khát CLB chim cảnh phường Thuận Lộc (số 117 đường Lê Thánh Tôn); ở bờ Nam có các quán cà phê chim (số 158 đường Trần Phú), Hậu Cafe chim Miều (kiệt 34/1 đường Hải Triều), quán “Những người thích chơi chim” (đường Điện Biên Phủ)…

Tất cả những quán cà phê này có điểm chung là cách bài trí đơn giản, không cầu kỳ. Điểm nhấn tập trung ở những lồng chim. Ít chim hay nhiều chim phụ thuộc vào khả năng chơi chim của chủ quán. Ngoài ra có một phần không gian mở để dành cho những ai có chim thì đưa tới, treo lên bất cứ chỗ nào còn trống để khi chim hót, mọi người cùng được thưởng thức.

Một trong rất nhiều quán cà phê chim ở Huế
Một trong rất nhiều quán cà phê chim ở Huế

Ở Huế những người chơi chim phần lớn nuôi chim chào mào (hay còn gọi là chim Miều). Anh Lê Thanh Liêm (trú ở Kiệt 43 đường Lý Thường Kiệt, TP Huế), một người chơi chim, cho biết: “Người dân Huế mình trầm lặng, sống hướng nội nhiều và không chú trọng hình thức. Chơi chim thì quan trọng nhất là tiếng hót của nó. Chào mào không quá sặc sỡ, tiếng hót lại đa dạng và hay nên ai cũng thích. Hơn nữa nó lại rất dễ nuôi…”.

Khách đến quán thường đem theo chim của mình để góp vui

Khách đến quán thường đem theo chim của mình để góp vui
Những quán cà phê kiểu này thường không quá coi trọng vào sự bài trí cầu kỳ, kiểu cách
Những quán cà phê kiểu này thường không quá coi trọng vào sự bài trí cầu kỳ, kiểu cách

Len lỏi trong từng giọt cà phê rơi chậm rãi, có chút thanh sắc lúc trầm, lúc bổng của hàng chục chú chim; có cả chút náo nhiệt, ồn ã của những lời bình phẩm: “Con ni ché hay thiệt!”, “Coi hắn chuyền cành, xòe cánh là biết hay rồi, dư sức đi thi đó…”, “Đến đây giao lưu chớ hạnh họe nhau rứa à?”… Tất cả hòa quyện vào nhau, cộng hưởng chút ngọt, chút đắng, chút nhanh, chút chậm làm nên một không gian thi vị, giản đơn mà ấn tượng. Phải thực sự hòa mình vào mới hiểu vì sao người ta nghiện” chim - một "con nghiện" lành mạnh.

Bên tách cà phê, những người đàn ông thả hồn nghe chim hót líu lo
Bên tách cà phê, những người đàn ông thả hồn nghe chim hót líu lo

Người Huế rất kỹ càng trong việc chọn chim. Tiêu chí của một con chim chào mào tốt trước hết nhìn tổng thể phải có hình dáng đẹp, vóc dáng dài, chân cao, bộ yếm, mao phải dày, lông đuôi dài, thẳng nhọn. Giọng ché phải to, thanh, rõ ràng, bền sức. Chim không những có giọng hót hay mà còn phải biết múa, xòe lông, rũ cánh tạo dáng, tạo thế. Giá cả của chim tùy thuộc vào nguồn gốc, dao động từ vài trăm đến hai, ba chục triệu, có khi lên tới cả trăm triệu. Thường thì người Huế thích săn chim ở các nơi như A Lưới, Bình Điền, Nam Đông, Phong Sơn, Kim Phụng… vì có giọng đặc trưng vùng miền.

Chim trong các lồng so tài tiếng hót, điệu múa
Chim trong các lồng so tài tiếng hót, điệu múa

Ông Dưỡng (64 tuổi, chủ quán cà phê CLB chim cảnh phường Thuận Lộc) tâm sự: “Từng một thời xông pha lái xe khách Bắc- Nam, giờ khi đã có tuổi mình vừa nghỉ ngơi vừa mở quán cà phê cho khuây khỏa. Cà phê chim biết là lợi nhuận không nhiều vì khi trời nắng người ta mới đưa chim đi tắm nắng, nhưng mà chấp nhận thôi”. Ông Dưỡng cho biết thêm, quán lúc đông nhất cũng có tới 80-90 lồng chim, mỗi con một kiểu, làm cho quán cà phê nhộn nhịp hẳn. Người quen thêm người, chim quen thêm bạn, như vậy cũng gọi là thành công.

Ngọc Bích - Đại Dương