1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Đền bù 1 triệu nhưng bán đất 50 triệu là bất công vô cùng"

Hoài Thu

(Dân trí) - Phân tích những bất cập về chênh lệch địa tô, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng đây là vấn đề cần quan tâm trong Luật Đất đai sửa đổi vì điều này gây bất công rất lớn, tạo động lực méo mó.

Ngày 16/3, các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ và đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại buổi tọa đàm do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nhìn nhận một số quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được các mâu thuẫn, vướng mắc trong đời sống thực tiễn nên vẫn còn khả năng xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.

Chênh lệch địa tô gây bất công 

"Cả hệ thống đang bị thúc đẩy để hưởng chênh lệch địa tô" là vấn đề TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt ra khi góp ý vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đây cũng chính là điều tạo bất công và gây nhiều bức xúc, theo ông Dũng.

"Ví dụ mảnh đất này đang bán 1 triệu/m2, sau khi quy hoạch làm đất ở, chỗ đó lên 50 triệu/m2 thì 49 triệu kia là chênh lệch địa tô do chính sách mang lại", ông Dũng phân tích.

Đền bù 1 triệu nhưng bán đất 50 triệu là bất công vô cùng - 1

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Đề cập đến nhiều khu biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội, vị chuyên gia cho rằng thực trạng này xuất phát từ động cơ hưởng chênh lệch địa tô khiến hình thành những "thành phố ma".

"Tôi được đền bù 1 triệu/m2, mấy hôm sau doanh nghiệp bán 50 triệu/m2, tôi thấy bất công vô cùng. Đó mới là cái gây phản cảm và tạo động lực méo mó", ông Dũng tái khẳng định.

Từ thực tế đã nêu, ông chỉ ra yêu cầu cấp thiết về điều tiết chênh lệch địa tô và dùng nguồn chênh lệch đó như thế nào để đảm bảo nơi ở mới cho người bị thu hồi đất bằng hoặc tốt hơn trước.

"Đừng để chênh lệch địa tô đó rơi vào túi doanh nghiệp, quan chức có quyền cho chuyển đổi đất", ông Dũng cảnh báo cần chính sách công bằng.

Ông cũng nhắc đến vấn đề có thật cần xử lý, điển hình như việc xây một con đường khiến giá đất tại đó chênh lệch 20 - 30 lần, thì người được hưởng chênh lệch phải lo cho người bị dỡ nhà đưa đi nơi khác.

Liên quan đến việc đền bù đất theo giá thị trường, TS Nguyễn Sĩ Dũng e ngại nếu như dự luật quy định, sẽ không có địa phương nào dám quyết giá đất, gây ra ách tắc rất nguy hiểm. Ông nhấn mạnh dù giá thị trường là thuận mua vừa bán, vẫn cần phải có cơ chế tính giá.

Không quy định rõ sẽ tạo nguy cơ thu hồi đất tràn lan

Cũng nhắc đến vấn đề chênh lệch địa tô, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, cho rằng nếu không xử lý được vấn đề này, sẽ không thể đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có quyền sử dụng đất. Ông băn khoăn về tính khả thi nếu luật chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc.

Đền bù 1 triệu nhưng bán đất 50 triệu là bất công vô cùng - 2

Các chuyên gia lo ngại nếu quy định về thu hồi đất không nêu rõ sẽ dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (Ảnh: Hà Phong).

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến băn khoăn khi quy định về trường hợp thu hồi đất định nghĩa rất chung chung. "Chúng tôi không hiểu được thì chắc dân cũng không hiểu. Thế nào là dự án phát triển kinh tế? Nếu không làm rõ sẽ dẫn đến nguy cơ thu hồi đất tràn lan, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực", ông Tuyến lo ngại.

Ông đề nghị quy định trong dự luật phải tính đến nhiều tiêu chí. Trước hết là lợi ích cho cả cộng đồng, người dân các địa phương chứ không phải lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, đầu tư Nhà nước hay công tư nhưng phải vì mục đích phục vụ người dân, lợi nhuận thì phải điều tiết vào ngân sách và có những dự án không nhằm mục đích kinh doanh. 

Ông Tuyến cũng chỉ ra việc tham vấn ý kiến người dân về phương án bồi thường tái định cư trong dự Luật Đất đai sửa đổi còn quy định rất hình thức và không khả thi. Vị chuyên gia gợi ý nên đặt ra nguyên tắc nếu 80% người dân ủng hộ thu hồi đất thì coi như đồng thuận, còn 20% thì phải thực hiện theo.