1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất xử mạnh hơn với sách lậu

(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi in sách lậu trong dự án luật sửa đổi Luật Xuất bản vẫn còn nhẹ, cần phải nâng lên cho đủ sức răn đe. Vấn đề nhà nước cần có những ưu đãi để hạ giá sách cũng được đặt ra.

Sáng 20/5, góp ý với dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) cho rằng giá sách trên thị trường tương đối cao so với mức thu nhập của người dân, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên - hai đối tượng thường xuyên tiếp cận với sách. Theo bà Vân, sách giáo khoa, sách tham khảo, với giá cả của các nhà xuất bản tung ra thị trường hiện nay thì học sinh, sinh viên rất khó có thể mua.

Bà Vân đề cập đến hiện tượng sách xuất bản rồi nằm trên giá, nhưng không phải do nhu cầu đọc giảm đi, đó là do khách hàng đi tìm một nguồn cung cấp sách khác rẻ hơn - sách lậu từ các nhà sách tư nhân. Bà Vân đề nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động xuất bản để hạ giá thành sách xuống. Thêm nữa, phải có cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động xuất bản và lưu thông sách trên thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, dần dần loại bỏ sách lậu ra khỏi thị trường văn hóa phẩm.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) phân tích, số lượng xuất bản ít mà sách hay thì lập tức có sách lậu, sách nhái ở ngoài. Ông Xuân tỏ ra không hiểu, các nhà xuất bản có ý định gì khi có những cuốn sách hay nhưng lại xuất bản với số lượng rất ít! Ông cũng đề nghị, xem lại trong luật còn chỗ nào tạo điều kiện cho sách lậu tràn lan.

Đại biểu Vi Thị Tuyết (Nghệ An) bắt tiếp vào vấn đề sách lậu ở khía cạnh xử phạt. Theo bà, tàng trữ trái phép xuất bản phẩm, in sao lậu từ 50 bản đến dưới 200 bản thì bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng là quá thấp. Mức phạt cao nhất hiện nay đối với tội in lậu cũng chỉ 30 triệu, trong khi lợi nhuận thu được từ hoạt động này quá lớn. Do vậy, không ít đơn vị sau khi bị xử phạt lại tái phạm.

Bà Tuyết phân tích, hành vi in lậu không chỉ vi phạm Luật Xuất bản mà còn vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, trốn thuế và có thể quy vào tội làm hàng nhái, hàng giả. Bà đề nghị Chính phủ nâng mức hình phạt lên để đủ sức răn đe.

Có nên cho phép ra đời nhà xuất bản tư nhân hay không theo đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) là vấn đề nhạy cảm, nhưng cần phải đặt ra lúc này. Theo ông để đảm bảo cho hội nhập quốc tế, đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu cho phép thành lập các nhà xuất bản tư nhân, với quy chế chặt chẽ, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, kiểm soát và có một chế tài xử phạt nghiêm minh, công khai, minh bạch.

Cũng liên quan đến hội nhập, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, cần bổ sung thêm chỉ số quốc tế nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu sách ra bên ngoài. Ông cũng đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông quan tâm tới việc phát huy lợi thế trong việc sử dụng mạng để có thể thực hiện những khâu đăng ký, kể cả khâu nộp lưu chiểu để rút ngắn thời gian của các khâu này.
 

Cuối buổi họp sáng 20/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chấm dứt thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương, với 85,4% tổng số đại biểu tán thành. Nghị quyết này cho phép những người đã tham gia quản lý và dạy nghề tập trung sau cai nghiện nhưng chưa hết thời hạn theo Nghị quyết 16 vẫn tiếp tục thực hiện nhưng không quá thời điểm Luật phòng, chống ma tuý sửa đổi có hiệu lực (1/1/2009). Nghị quyết cũng đề cập đến việc luật hoá giai đoạn sau cai nghiện.

 
Mạnh Cường