Đề xuất xử lý Bộ trưởng Trương Đình Tuyển
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức kiểm điểm và xem xét đề xuất xử lý đối với các ông Trương Đình Tuyển, Lương Văn Tự và Bùi Xuân Khu về trách nhiệm trong vụ án chạy quota ở Bộ Thương mại.
Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa có kết luận điều tra bổ sung vụ án này.
Một trong những nội dung quan trọng trong Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung ngày 19/10/2005, Viện KSNDTC đã yêu cầu Cơ quan ANĐT xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Thương mại (ngoài bị can Mai Văn Dâu) trong việc ban hành các văn bản cho phép chuyển nhượng hạn ngạch trái quy định, cũng như trong việc để xảy ra tiêu cực.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT xác định Bộ Thương mại đã ban hành 5 văn bản trái quy định của Chính phủ.
Đầu tiên là Thông báo số 1766/TM-XNK ngày 4/7/2003 do Bộ trưởng Trương Đình Tuyển ký, có nội dung cho phép các doanh nghiệp có thể tự thỏa thuận với nhau để cho vay, nhường hạn ngạch.
Ngày 15/8/2003, Thứ trưởng Lương Văn Tự cũng ký Thông báo số 2908, trong đó có nội dung: “Thương nhân... có thể nhường lại tiêu chuẩn hạn ngạch của mình cho thương nhân có nhu cầu”.
Riêng bị can Mai Văn Dâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, đã ký 3 Thông báo, cho phép các thương nhân được vay, cho vay và nhường hạn ngạch. Ngày 29/1/2004, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu tham gia Tổ điều hành liên Bộ, cũng ký một văn bản gửi Bộ Thương mại, đề nghị cho các DN được phép vay, nhường hạn ngạch năm 2004...
Lợi dụng các văn bản trên của Bộ Thương mại, các DN đã tìm cách chạy, xin và mua - bán hạn ngạch, gây hậu quả nghiêm trọng và để các cán bộ như Mai Văn Dâu lợi dụng có hành vi nhận tiền, quà hối lộ...
Qua xác minh 45 DN, có 42 DN đã vay nhường 2.230.997 tá hạn ngạch các loại; 3 DN thừa nhận có mua bán 216.512 tá hạn ngạch với tổng số tiền dùng giao dịch mua bán là 1.971.762,9 USD.
Theo cơ quan điều tra (CQĐT), hành vi ký ban hành các văn bản trái với quy định của Chính phủ của bị can Mai Văn Dâu có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 181 bộ luật hình sự.
Tương tự, việc Bộ trưởng Trương Đình Tuyển và Thứ trưởng Lương Văn Tự ký các bản thông báo trên cũng có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tuy nhiên, do ngày 28/3/2005, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cho phép các DN được chuyển nhượng hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ, nên CQĐT không xem xét xử lý hình sự các cá nhân này về hành vi trên.
Về phần Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, CQĐT xác định ông Khu phải có trách nhiệm trong việc đề nghị Bộ Thương mại xem xét cho các DN được vay nhường hạn ngạch, và ông Khu đã không có ý kiến gì khi Bộ Thương mại ban hành 5 Thông báo trái quy định...
Từ cơ sở trên, Cơ quan ANĐT Bộ Công an sẽ có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp tổ chức kiểm điểm và xem xét đề xuất xử lý đối với các ông Trương Đình Tuyển, Lương Văn Tự và Bùi Xuân Khu. Riêng bị can Mai Văn Dâu vẫn bị đề nghị truy tố về hành vi “Nhận hối lộ” số tiền 6.000 USD.
CQĐT cũng đã thu thập được đầy đủ chứng cứ chứng minh bị can Mai Thanh Hải đã làm giả bản sao bằng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương trong hồ sơ cán bộ của Hải.
Do đó, ngoài hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án chạy hạn ngạch, Mai Thanh Hải còn bị đề nghị truy tố về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Viện KSNDTC đang hoàn tất Cáo trạng để truy tố 17 bị can trong vụ án ra xét xử. Được biết, Viện KSNDTC sẽ ủy quyền cho Viện KSND TPHCM thực hành quyền công tố khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND TPHCM trong thời gian tới.
Theo Công Minh
Tiền phong