Đề xuất xóa bỏ mô hình tổng cục thuộc bộ, hạn chế chuyển vụ thành cục
(Dân trí) - Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 đề nghị không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ. Trường hợp cần thiết phải báo cáo để Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến.
Theo Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ban hành, Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 (Ban Chỉ đạo) đã nêu rõ định hướng sắp xếp đối với các tổ chức bên trong bộ và cơ quan ngang bộ.
Với tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.
Trường hợp cần thiết duy trì mô hình tổng cục, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cho ý kiến.
Với vụ, cục, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Chỉ đạo nêu định hướng ở các đơn vị có chức năng tham mưu tổng hợp chung, đề nghị mỗi bộ chỉ duy trì 1 đầu mối tổ chức tương ứng với các lĩnh vực: Tổ chức cán bộ; Pháp chế; Hợp tác quốc tế; Văn phòng; Kế hoạch Tài chính; Thanh tra.
Với các vụ, cục có nhiệm vụ liên thông, gắn kết, đề nghị sắp xếp, kiện toàn các vụ, cục này thành 1 đầu mối và hạn chế tối đa chuyển các vụ thành cục, trừ trường hợp cần đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền xử lý theo chức năng quản lý Nhà nước của bộ.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Chỉ đạo đề nghị sắp xếp, kiện toàn đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết 19 của Trung ương.
Theo đề xuất của Ban Chỉ đạo, với đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ duy trì tối đa 5 đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện chức năng phục vụ quản lý Nhà nước thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành.
5 đơn vị này gồm: Viện; tạp chí; báo; trung tâm thông tin; trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, Ban Chỉ đạo yêu cầu sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định.
Trong đó, với các Viện, đề nghị sắp xếp, tổ chức lại theo hướng thu gọn đầu mối trên cơ sở thực hiện nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại.
Với báo, tạp chí, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ có 1 cơ quan báo (gồm: báo in, báo điện tử và Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành) và 1 tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước).
Trong quá trình sắp xếp các Bộ, trường hợp có 02 báo đang tự chủ chi thường xuyên trở lên thì trước mắt duy trì và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ quan báo chí theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Với đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức, chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ, ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành.
Các Học viện, đại học, trường đại học, đến năm 2025 đề nghị tự bảo đảm chi thường xuyên.
Đối với bệnh viện, chỉ giữ lại bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học. Đến hết năm 2025, các cơ sở khám chữa bệnh (trừ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh đặc thù) là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.
Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc văn phòng, cục thuộc bộ, cục thuộc tổng cục thuộc bộ, đề nghị sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Với cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Chỉ đạo đề nghị thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, cơ quan thành lập Ban Chỉ đạo do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan đứng đầu để chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.
Đối với các Bộ thực hiện phương án hợp nhất, đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo chung do đại diện lãnh đạo của 2 bộ đồng chủ trì để chỉ đạo trong việc xây dựng Đề án hợp nhất 2 bộ.