Sau sáp nhập, VTV chỉ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ một số đài truyền hình

Hoài Thu

(Dân trí) - Đài Truyền hình Việt Nam được giao xây dựng Đề án chỉ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC.

Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký ban hành,  đã nêu rõ hướng sắp xếp các cơ quan báo chí sau hợp nhất.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 (Ban Chỉ đạo) đề xuất kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC.

Chức năng, nhiệm vụ liên quan của các đơn vị này sẽ được chuyển về Đài Truyền hình Việt Nam.

Sau sáp nhập, VTV chỉ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ một số đài truyền hình - 1

Đài Truyền hình Việt Nam chỉ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC (Ảnh: VGP).

Ban Chỉ đạo yêu cầu xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam được yêu cầu thực hiện sắp xếp, tinh gọn, giảm mạnh đầu mối tổ chức bộ máy bên trong và biên chế.

Đối với các báo, tạp chí, Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị này, bảo đảm mỗi Bộ, cơ quan ngang bộ chỉ có 1 cơ quan báo (gồm: báo in, báo điện tử và Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành) và 1 tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước).

Trong quá trình sắp xếp các bộ, trường hợp có 2 báo đang tự chủ chi thường xuyên trở lên thì trước mắt duy trì và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ quan báo chí theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Ban Chỉ đạo giao Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng Đề án chỉ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC.

Đồng thời, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong hiện có của Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam được giao kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC và cơ cấu lại, giảm mạnh tổ chức bên trong.

Định hướng được nêu ra là tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động.

Theo phương án tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, sau khi sắp xếp, hợp nhất, tổ chức bộ máy của Chính phủ dự kiến giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. 

Bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn dự kiến giảm từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong đó, với các cơ quan báo chí, thông tấn thuộc Chính phủ, phương án sắp xếp được đưa ra theo đúng định hướng của Trung ương.