1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất xây đường băng chéo tại sân bay Vinh

Ngọc Tân

(Dân trí) - Sân bay Vinh sẽ là sân bay đầu tiên tại Việt Nam có 2 đường băng chéo nhau. Một đường đã được thiết kế lệch đi để tránh ảnh hưởng đến thành phố Vinh sau này.

Cục Hàng không Việt Nam đang nghiên cứu phương án xây dựng các đường băng cho sân bay Vinh (Nghệ An) theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo phương án được Cục trình lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sân bay Vinh sẽ kéo dài đường băng hiện hữu từ 2.400m lên 3.000m, đồng thời xây thêm một đường băng mới cắt chéo đường băng cũ.

Đề xuất xây đường băng chéo tại sân bay Vinh - 1

Đường băng thứ 2 của sân bay Vinh được thiết kế chéo so với đường băng cũ để hướng bay không cắt qua khu vực đông dân cư của TP Vinh (Đồ họa: Ngọc Tân).

Trước mắt, việc kéo dài đường băng cũ thêm 600m sẽ giúp sân bay đón được các dòng máy bay cỡ lớn (code E) như Airbus A350, Boeing B777, Boeing B787...  Dự án thi công kéo dài đường băng sẽ được xúc tiến trước năm 2030.

Trong khi đó, đường băng thứ 2 sẽ được xây mới với chiều dài 3.000m, triển khai trong giai đoạn 2030-2050.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bách Tùng (Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT, chuyên gia quy hoạch sân bay) cho biết ý tưởng thiết kế 2 đường băng chéo nhau tại sân bay Vinh nhằm hạn chế việc các chuyến bay cắt qua trung tâm thành phố trong quá trình cất hạ cánh.

Thông thường, đường băng thứ 2 sẽ được xây mới song song với đường băng thứ nhất. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến sân bay Vinh có cả 2 đường băng "đâm thẳng" vào trung tâm thành phố. Điều này sẽ dẫn đến hàng loạt công trình trong thành phố Vinh bị hạn chế chiều cao để đảm bảo tĩnh không cho sân bay.

Do đó, đơn vị thiết kế đã quyết định đường băng thứ 2 sẽ nằm lệch, cắt chéo đường băng thứ nhất.  

Đề xuất xây đường băng chéo tại sân bay Vinh - 2

Đường băng chéo nhau thành hình chữ X tại sân bay Chhatrapati Shivaji, Mumbai, Ấn Độ (Ảnh: Google Maps).

Theo ông Tùng, việc thiết kế 2 đường băng chéo nhau là chưa từng có tại Việt Nam, nhưng khá phổ biến trên thế giới. Có thể kể đến các sân bay có đường băng chéo nhau như Chhatrapati Shivaji (Mumbai, Ấn Độ), sân bay Đại Hưng (Trung Quốc), sân bay Haneda (Nhật Bản)...

Thiết kế đường băng chéo nhau sẽ không thuận lợi trong việc khai thác chuyến bay như đường băng song song. Tuy nhiên, nhiều sân bay vẫn áp dụng, đặc biệt tại các sân bay có hướng gió thay đổi phức tạp.

Hiện, Việt Nam có 22 sân bay dân dụng. Trong đó, các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh... có 2 đường băng song song. Các sân bay địa phương thường chỉ có 1 đường băng. Chưa có sân bay nào có 2 đường băng cắt chéo nhau.

Đối với hạng mục nhà ga hành khách của sân bay Vinh, Cục Hàng không đề xuất giai đoạn đến năm 2030 sẽ mở rộng ga T1 đạt công suất khoảng 5 triệu khách/năm.

Đồng thời, ga hành khách T2 sẽ được xây mới với công suất khoảng 3 triệu khách/năm tại khu vực giữa 2 đường băng, nâng tổng công suất toàn cảng đạt 8 triệu khách/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay sẽ mở rộng ga hành khách T2 đạt công suất khoảng 9 triệu khách/năm, nâng tổng công suất toàn cảng lên 14 triệu khách.