Đề xuất trường hợp miễn soi chiếu an ninh hàng không

(Dân trí) - Dự thảo sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được UB Thường vụ QH cho ý kiến trong buổi làm việc sáng 21/2. Đề xuất Bộ trưởng GTVT quy định trường hợp miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không được yêu cầu cân nhắc lại.

Chống độc quyền, áp đặt giá dịch vụ hàng không

Có 8 điểm hạn chế từ luật hiện hành được đặt mục tiêu giải quyết, khắc phục trong lần sửa đổi này, cùng một số nội dung khác được bổ sung. Trong đó, vấn đề giá đối với dịch vụ hàng không (giá điều hành bay, giá phục vụ hành khách… và giá dịch vụ công ích chuyên ngành hàng không khác), hỗ tợ đảm bảo hoạt động bay; soi chiếu an ninh nhận nhiều ý kiến khác nhau trong Thường vụ Quốc hội.

Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc quyết định đối với một số giá các loại dịch vụ hàng không. Do đó, dự luật quy định Bộ Giao thông Vận tải quyết định giá dịch vụ hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra giá dịch vụ bay tại Nội Bài (ảnh: Châu Như Quỳnh).
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra giá dịch vụ bay tại Nội Bài (ảnh: Châu Như Quỳnh).

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình hướng tách 2 nhóm cơ quan có trách nhiệm: cơ quan quản lý phí và lệ phí thuộc Bộ Tài chính; cơ quan định giá các dịch vụ quản lý bay, cất cánh, hạ cánh… thuộc Bộ GTVT, tuy nhiên, ông Hiển vẫn lăn tăn vì một số quy định mở “hơi rộng” so với luật Giá.

Ông Hiển không tán thành quy định về các loại dịch vụ cần thực hiện định giá tại Điều 11 của dự thảo luật, ngoài việc liệt kê dịch vụ quản lý bay, cất cánh, hạ cánh… lại “đèo” theo cái đuôi “và dịch vụ công ích chuyên ngành hàng không khác”. Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách yêu cầu làm rõ nội dung vế… đính kèm này.

Luật Giá được Quốc hội thông qua trước đó cũng chỉ quy định áp khung giá với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền nhưng dự luật Hàng không sửa đổi giao luôn quyền áp khung giá cho Bộ GTVT, lại kèm thêm “cái đuôi” như trên, theo ông Hiển, càng là bước lách, nới quy định mới.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị chuyển quy định, giao Bộ Tài chính quy định nội dung này thay cho Bộ GTVT để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải quy định nắm quyền quản lý giá dịch vụ hàng không làm để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng nhưng ông Hiển vẫn lo trường hợp cơ quan này “ngoắc tay” với đơn vị kinh doanh hàng không, đi ngược lại quyền lợi của người dân. Khi đó, nếu Bộ Tài chính là cơ quan có quyền quyết định sẽ khách quan hơn.

Tán thành hướng lập luận này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cần hướng đến mục tiêu đảm bảo quyền lợi khách hàng. Dự luật không có điều khoản nào nói về vấn đề này trong khi thực tế không thiếu những lời phàn nàn của khách khi tham gia dịch vụ hàng không dân dụng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng ý đề xuất giao Bộ Tài chính quản lý về giá. Nguyên tắc, nhà nước kiểm soát giá là đảm bảo giá chung, để chống độc quyền chứ không phải định giá thấp và buộc DN phải tuân theo mà không xét đến quy luật thị trường. Ông Phước nhấn mạnh, Bộ Tài chính cần là người cầm còi với vấn đề này.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa quan tâm nhiều nội dung về đảm bảo an ninh, an toàn bay, đảm bảo yêu cầu quốc phòng.

Quy định soi chiếu an ninh từ vụ lọt 600 bánh heroin

Về vấn đề an ninh hàng không, UB Pháp luật đề nghị cân nhắc quy định: “Bộ trưởng GTVT quy định trường hợp miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không”.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phân tích, việc bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các chuyến bay cần được thực hiện theo những nguyên tắc an ninh rất nghiêm ngặt, đối với mọi người và hành lý và hàng hóa trong chuyến bay, nguyên tắc này được thực hiện trên cơ sở mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nếu từ quy định miễn trừ nêu trên xảy ra sai sót sẽ dẫn đến hậu quả bất lợi lớn cho tính mạng và tài sản của nhiều người khác.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Công tác đảm bảo an toàn bay Nhà nước phải nắm”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không trên từng chuyến bay buộc phải là công chức nhà nước, nhưng ở phần lớn các nước, lực lượng an ninh ở các cảng hàng không có thể do các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện đảm nhiệm.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phân trần, dự thảo luật đã ghi rõ “doanh vận tải hàng không là kinh doanh có điều kiện”. Như vậy, đúng là nhà nước khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực kinh doanh này, không cấm ai cả, cứ đáp ứng đủ mọi điều kiện quy định thì được cấp phép kinh doanh.

Riêng vấn đề quản lý bay, đơn vị này này do nhà nước nắm giữ 100% vốn, không ai có thể tham gia được. “Ngay cả việc mở sân bay cũng có thể huy động, cổ phần hóa, chỉ lĩnh vực quản lý bay, đảm bảo an toàn bay thì nhà nước giữ quyền. Không thể giao quyền quản lý bầu trời cho ai. Nước nào cũng quy định thế thôi” – ông Thăng quả quyết.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận xét, tuy chưa nghiêm trọng, nhưng vừa qua công tác bảo đảm an ninh hàng không cũng có một số vấn đề đáng lưu tâm, cả trong hành trình bay (như sự cố rớt bánh máy bay) lẫn ở cảng hàng không (không phát hiện ma túy khối lượng lớn)…, do đó nội dung này cần được rà soát và bổ sung kỹ lưỡng, tránh những trường hợp tương tự.

P.Thảo