1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề xuất thực hiện phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa lên tiếng giải thích về những nội dung mới đang thu hút sự chú ý của dư luận trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường

Tổng cục Môi trường cho biết, trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội bổ sung phương án phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường .

Cụ thể, dự án đầu tư được phân loại dựa trên các tiêu chí về môi trường bao gồm: tính chất, quy mô của loại hình dự án; diện tích đất, mặt nước bị chiếm dụng; môi trường sinh thái tự nhiên bị tác động. Trên cơ sở này, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I), có nguy cơ (Nhóm II), ít có nguy cơ (Nhóm III) và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (Nhóm IV).

Đề xuất thực hiện phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường - 1

Ông Nguyễn Hưng Thịnh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trong lần trao đổi với báo chí về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Kết quả lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, kết quả thảo luận trực tuyến của Quốc hội ngày 24/10/2020 cho thấy phương án này sẽ khắc phục được những hạn chế của phương án do Chính phủ trình trước đây. Đồng thời bảo đảm tính thống nhất, khoa học, xuyên suốt trong việc phân loại dự án đầu tư và làm căn cứ áp dụng các công cụ quản lý về môi trường.

Phương án này cũng có ưu điểm là giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư đối với nhiều dự án. Các dự án không thuộc Nhóm I sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Hơn nữa không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (theo Luật Đầu tư) nhưng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao. Các dự án này khi thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường sẽ giúp nhà đầu tư tránh lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này.

“Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thống nhất đề nghị thực hiện phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường và việc xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện theo các tiêu chí về môi trường”- Tổng cục Môi trường cho hay.

Thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất lấy ý kiến Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1 giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.

Ưu điểm là có thể tích hợp giải quyết thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM với thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của một số dự án. Các Bộ liên quan hiện nay đều có bộ phận chuyên môn về môi trường, quá trình thẩm định thời gian qua vẫn đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, nhược điểm là chưa bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương. Việc thẩm định ĐTM không đi đôi với kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của dự án (gắn với chức năng quản lý địa bàn).

Đề xuất thực hiện phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường - 2

Việc thẩm định, phê duyệt ĐTM các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa ở miền Trung đang gây tranh cãi (Ảnh minh hoạ)

Phương án 2 giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Quy định này bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép (nếu có) sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương hiện nay của Chính phủ.

Nhược điểm là không tích hợp được quá trình thẩm định báo cáo ĐTM với quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tại các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành nhằm giảm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

“Tổng hợp kết quả lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội có 40 Đoàn đề nghị thực hiện theo phương án 2. Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường đã thống nhất đề nghị thực hiện theo phương án 2”- Tổng cục Môi trường cho hay.

Phối hợp với cảnh sát môi trường xử lý tội phạm 

Tổng cục Môi trường cho biết quy định về sự phối hợp của lực lượng cảnh sát môi trường trong dự thảo luật đã nhận được sự thống nhất với Bộ Công an. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp có trách nhiệm thông tin kịp thời các trường hợp có dấu hiệu hoạt động tội phạm về môi trường cho lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cùng cấp để điều tra, xử lý; phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân.

Lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường. Khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường và thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để phối hợp; phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các trường hợp khác đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt.

“Các quy định này nhằm tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng trong hoạt động phát hiện, xử lý vi phạm của tổ chức cá nhân; phân định rõ thẩm quyền của các cơ quan trong hoạt động kiểm tra bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp theo đúng chức năng, nhiệm vụ và vai trò của các lực lượng”- Tổng cục Môi trường cho hay.