Dự án tác động cao đến môi trường mới phải làm báo cáo đánh giá tác động?
(Dân trí) - So với các luật hiện hành quy định về dự án phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có đề xuất thu hẹp phạm vi dự án phải làm báo cáo này…
Sáng 4/9, hội nghị trực tuyến các đại biểu Quốc hội chuyên trách với nội dung thảo luận về dự luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau tại dự thảo luật là quy định về phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và đánh giá sơ bộ tác động môi trường (báo cáo ĐTM).
Báo cáo về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Phân Xuân Dũng cho biết, UB Thường vụ Quốc hội vẫn nêu hai phương án trong dự thảo luật để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
Phương án 1 như Chính phủ trình: quy định bản dựa trên phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường).
Phương án 2: tiếp thu, chỉnh lý để phù hợp với phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường, quy định dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện.
Phương án này được phân tích, ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, quan trọng nhất là xác định địa điểm đầu tư dự án có thực sự phù hợp với môi trường hay không.
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng thông tin, đối với phương án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị đổi “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thành “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” cho phù hợp với bản chất của việc đánh giá cũng như thể hiện của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội đề nghị không nên thay đổi vì Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư đều quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Đáng chú ý là, theo cả hai phương án thì đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường đều thu hẹp hơn.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ rõ, nhiều ý kiến của các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối tượng quy định phải thực hiện báo cáo ĐTM theo dự luật này hẹp hơn so với luật Đầu tư công và luật Đầu tư sẽ tạo ra độ vênh. Vì thế, việc thay đổi đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường dù thu hẹp hay mở rộng hơn đều cần rất thận trọng.
Đồng tình với phương án 2, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, cách tiếp cận của phương án này phù hợp với bản chất của vấn đề.
Tuy nhiên, tiêu chí phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường khác với quy định tại luật Đầu tư công nên cần chỉ rõ những quy định nào của luật Đầu tư công cần phải chuyển đổi để phù hợp với phương án này.
Đại biểu Phương cũng đề nghị cần tiếp tục lấy thêm ý kiến về phương án hai, trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Cũng chọn phương án 2, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhận định, phương án này phù hợp hơn khi chỉ các dự án có tác động môi trường ở mức độ cao mới là đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định như vậy, theo đại biểu sẽ tránh gây phiền hà cho các chủ dự án, và ở các giai đoạn sau nếu có vấn đề gì về môi trường phát sinh thì vẫn có thể xử lý được.
Ông Lâm đề nghị cần bổ sung quy định về trình tự thủ tục với đánh giá sơ bộ tác động môi trường tại điều 30 của dự thảo luật.