Đề xuất thành lập Hội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long
(Dân trí) - ”Việc thành lập Hội đồng vùng ĐBSCL có ưu điểm là Hội đồng vùng không phải một cấp hành chính, không tạo ra gánh nặng ngân sách cho nhà nước” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất.
Ngày 18/6, Chính phủ tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu” tại TPHCM.
Trong buổi sáng, lãnh đạo các bộ ngành chủ trì 4 hội nghị chuyên đề về các nhóm vấn đề lớn của ĐBSCL là: Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL; Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL.
Phiên họp buổi chiều do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với các báo cáo của các bộ ngành và các tỉnh thành liên quan. Sau đó, Thủ tướng lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức quốc tế cho các vấn đề còn tồn tại khi thực hiện nghị quyết.
Phát biểu khai mạc phiên họp buổi chiều, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Đảng và nhà nước luôn đánh giá cao vị trí chiến lược của vùng ĐBSCL. Do đó, đứng trước các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với vùng đất này, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 120/NQ-CP nhằm giúp kinh tế vùng phát triển bền vững, thích ứng với biến đối khí hậu.
Là đơn vị được giao làm đầu mối thực hiện nghị quyết 120/NQ-CP, Bộ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã báo cáo đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP trong 2 năm qua. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nghị quyết đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách tại khu vực ĐBSCL.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, như: Tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; Phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; Thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn theo cơ cấu kinh tế và theo lãnh thổ; Kết nối liên vùng đang được thúc đẩy; Điểm nghẽn về nguồn vốn đang được quan tâm giải quyết...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng điểm ra nhiều khó khăn còn tồn tại trong quá trình triển khai nghị quyết. Cụ thể là: Thể chế điều phối vùng chưa được nghiên cứu, triển khai; Tư duy phát triển theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai; Chưa hình thành được cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội; chưa có các giải pháp đột phá trong đầu tư cho ĐBSCL...
Để khắc phục các tồn tại và thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị: ”Vấn đề cấp bách đặt ra là cần sớm nghiên cứu hình thành thể chế phù hợp cho ĐBSCL, như mô hình Cao ủy Đồng bằng ở Hà Lan”.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thể chế này có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, có đủ thẩm quyền đại diện cho ĐBSCL để lựa chọn các giải pháp phát triển toàn vùng cũng như xây dựng các dự án đầu tư cho các công trình mang lại lợi ích liên vùng...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất thành lập Hội đồng điều phối vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng là thế mạnh của vùng.
Theo Bộ trưởng, về cơ cấu tổ chức thì Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng là một Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên là UBND các tỉnh thành trong vùng và các bộ ngành liên quan.
Ông nói: ”Việc thành lập Hội đồng vùng ĐBSCL có ưu điểm là Hội đồng vùng không phải một cấp hành chính, không tạo ra gánh nặng ngân sách cho nhà nước”.
Theo ông, Hội đồng vùng sẽ thực hiện 1 số nhiệm vụ chính mang tính điều phối như: Phối hợp với các địa phương thực hiện Quy hoạch vùng; Giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch; Thông qua kế hoạch điều phối liên kết hàng năm; Thống nhất kế hoạch liên kết các địa phương trong vùng; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các liên kết, tháo gỡ, giải quyết các vấn đề nảy sinh về điều phối vùng...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ phối hợp các Bộ và địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng điều phối Vùng ĐBSCL và Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng.
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn