Bộ trưởng GTVT: Đầu tư hạ tầng là "điểm nghẽn" của 2 vùng kinh tế trọng điểm
(Dân trí) - Đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông giữa TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long được cho là không tương xứng với sức đóng góp cho kinh tế đất nước. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, hiện nay đầu tư hạ tầng là "điểm nghẽn" cho sự phát triển bền vững, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư thấp so với cả nước.
Ngày 18/6, trong khuôn khổ diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long, chuyên đề giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho vùng đất chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015 là 67.552 tỷ đồng (chiếm 12,2% cả nước), giai đoạn 2016-2020 là hơn 65.000 tỷ đồng (chiếm 15,5% cả nước).
Do còn hạn chế về nguồn vốn nên nhiều dự án trọng điểm giao thông kết nối nội bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long và với TPHCM chưa thể hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quy hoạch mạng lưới cao tốc, vành đai quốc lộ, đường sắt, luồng thủy phải được đầu tư hoàn thành giai đoạn đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay một số trục kết nối mới được đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư.
Do đó, cơ sở hạ tầng kết nối mặc dù được cải thiện nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc đầu tư các tuyến đường kết nối giao thông vẫn chưa được sự hỗ trợ và đồng thuận cao. Vận tải đường sắt, đường thủy chưa được quan tâm đúng mức.
Tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải đi qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Hệ thống logistics yếu kém, hầu như chưa hình thành.
Do kết nối hạ tầng hạn chế nên ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt là các dịp lễ, Tết, chi phí vận tải hàng hóa tăng cao, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Để tăng cường kết nối, UBND TP kiến nghị đẩy nhanh các thủ tục để hình thành tuyến quốc lộ 50 mới song song – trục động lực (quốc lộ 50B). TPHCM đã thống nhất với tỉnh Long An đầu tư đoạn thuộc địa phận TPHCM đến huyện Cần Giuộc dài 8km theo hình thức PPP, trong giai đoạn 2021-2025.
PGS. TS Tống Trần Tùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương đóng góp ý kiến phát triển về hệ thống đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải cho khu vực và kết nối với TPHCM, miền Đông Nam bộ. Nhiều ý kiến cho rằng hiện mức đầu tư cho hạ tầng khu vực này còn hạn chế.
PGS. TS Tống Trần Tùng – Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam băn khoăn vốn đầu tư cho đồng bằng Sông Cửu Long chưa tương xứng với khu vực này.
Ông kiến nghị sớm xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi và hoàn chỉnh hệ thống quốc lộ ven biển phía Đông là quốc lộ 50, quốc lộ 60. Xây dựng đường sắt TPHCM – Cần Thơ và kết nối cảng với đường sắt. “Tắc nghẽn giao thông gây thiệt hại kinh khủng cho nền kinh tế”, ông Tùng nói.
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng đầu tư cho đường thủy, đường bộ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long không tương xứng với sức đóng góp của vùng
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng đầu tư cho đường thủy, đường bộ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long không tương xứng với sức đóng góp của vùng. Ông cũng đặt vấn đề về số phận của một số luồng vận tải đường thủy của khu vực như luồng Định An, Quan Chánh Bố… Ông đặt vấn đề tính hiệu quả và đề nghị cân nhắc “siêu dự án” cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).
Cũng như đồng bằng sông Cửu Long, GS Trân đánh giá cao sức đóng góp của TPHCM với kinh tế đất nước, song ngân sách để lại cho TPHCM không tương xứng với sức phát triển.
GS Trân đề cập đến dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ khi dự án này tiêu tốn hết 122 triệu m3 cát. Trong đó, một lượng lớn được khai thác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong 2 năm.
“Đây là một mối băn khoăn. Cần xem xét lại việc này, miền Tây đã thiếu cát rồi. Không vì kinh tế mà ảnh hưởng môi trường, nhất là phát triển TPHCM mà ảnh hưởng tới miền Tây”, GS Trân nói.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra quan điểm: TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng kinh tế quan trọng nhưng đầu tư hạ tầng là điểm nghẽn, đặc biệt là kết nối hạ tầng đảm bảo phát triển bền vững cho vùng.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng đầu tư hạ tầng giao thông cho TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long là "điểm nghẽn" đảm bảo phát triển bền vững
Dẫn lại tổng vốn đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 2010 đến nay, ông Thể nhận định: “Dân số khu vực gần 20 triệu người, rõ ràng đầu tư hạ tầng thấp so với cả nước”.
Theo Bộ trưởng GTVT, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nền đất yếu, cộng với những khó khăn về vật liệu nên suất đầu tư lớn. Ông cho biết, Bộ GTVT và Chính phủ, cùng các bộ, ngành tiếp tục xem xét để đầu tư hạ tầng cho khu vực trong thời gian tới.
Cụ thể, ưu tiên kết nối các tuyến các tốc trục dọc với TPHCM, trong đó có đoạn TPHCM – Cần Thơ; cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi cho trục quốc lộ ven biển phía Đông; trục cao tốc phía Tây.
“Nếu hoàn chỉnh sẽ đáp ứng kết nối giao thông khu vực. Ngoài ra, Bộ cũng ưu tiên làm đường vành đai 3,4 của TPHCM giúp TP và miền Đồng, miền Tây kết nối nhau. Tạo động lực phát triển”, ông Thể nói.
Cũng theo ông Thể, các trục cao tốc ngang đồng bằng sông Cửu Long cũng rất quan trọng, kết nối hệ thống vận tải đường bộ với cảng biển. Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu và làm việc với một số nhà đầu tư làm đường sắt nối TPHCM – Cần Thơ.
Quốc Anh – Phạm Nguyễn