2 nút thắt cản trở sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long
(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện có 2 nút thắt lớn nhất đang cản trở sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long là thị trường và giao thương.
Sáng 18/6, Chính phủ tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu” tại TPHCM.
Trong buổi sáng, lãnh đạo các bộ ngành chủ trì 4 hội nghị chuyên đề về các nhóm vấn đề lớn của ĐBSCL là: Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL; Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL.
Tại hội nghị chuyên đề Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, nhiều đại biểu tranh luận về vai trò của cây lúa trong cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo bà Phạm Hoàng Vân - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, hiện tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất, sử dụng nhiều phân bón... Sự tăng trưởng có được là nhờ sử dụng ngày càng nhiều đầu vào với chi phi lớn hơn về môi trường. Do đó, tăng trưởng nông nghiệp đi kèm với tác động xấu đến môi trường, làm suy thoái đất và ô nhiễm nguồn nước.
Từ đó, bà đề nghị ngành nông nghiệp ĐBSCL cần tái cơ cấu nhằm tăng giá trị sản phẩm và giảm chi phí đầu vào, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người nông dân và hạn chế tác động đến môi trường bằng cách sử dụng ít đất, nước, nhân công, phân bón… Để làm được điều này cần có sự thay đổi trong cơ cấu sử dụng đất, tổ chức sản xuất và hiệu quả chuỗi giá trị, tổ chức đầu ra cho sản phẩm…
Cụ thể, bà đề nghị các vùng đồng bằng hiện nay nên sản xuất ít gạo hơn để giảm tác động môi trường, đồng thời thúc đẩy sản xuất gạo chất lượng cao và gạo đặc chủng để tăng hiệu quả kinh tế. Phần đất dư thừa sau khi hạn chế trồng lúa gạo sẽ dành để trồng các loại nông sản có giá trị cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, giáo sư Võ Tòng Xuân cũng nhấn mạnh chúng ta đang làm quá chậm, cần quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ĐBSCL theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang các loại cây trồng và sản phẩm nông nghiệp giá trị cao.
Tuy nhiên, tiến sĩ Bùi Bá Bổng lại có cái nhìn lạc quan hơn. Ông cho rằng thời gian qua, các tỉnh ĐBSCL đã làm rất quyết liệt và có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới được áp dụng và phổ biến.
Ông nói: “Có 3 xu hướng chuyển đổi chính, có cái tốt, cái xấu. Thứ nhất là chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trái, có tốt là hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng xấu là nhiều nơi bà con tự phát chuyển đổi dẫn đến thị trường đầu ra khó. Thứ 2 là chuyển đổi từ lúa sang cây hoa màu cho thấy là không hiệu quả vì lợi nhuận mang lại không cao hơn. Thứ 3 là chuyển đổi từ lúa sang thủy sản rất thành công, các mô hình kết hợp lúa – tôm được nhiều tỉnh thành áp dụng và hiệu quả kinh tế rất cao”.
Theo ông, chúng ta phải liên tục nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp nhưng cần xem lại quan điểm hạn chế trồng lúa gạo. Ông nói: “Chúng ta không thể tháo chạy khỏi ngành lúa. Bây giờ là 100 triệu dân, sắp tới là 130 triệu dân, họ đã quá quen ăn lúa gạo rồi!”.
Còn với đại biểu Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông cho là khoa học công nghệ đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc giúp người nông dân sản xuất bền vững, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi. Ông chỉ trăn trở làm sao vực dậy nền kinh tế cả vùng ĐBSCL, có như vậy thì kinh tế khu vực mới phát triển bền vững.
Theo ông, hiện có 2 nút thắt lớn nhất đang cản trở sự phát triển của vùng ĐBSCL là thị trường và giao thương. Phát triển mạnh khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới… đang giúp người nông dân tăng cao năng lực sản xuất. Nhưng điểm nghẽn chính yếu khiến nền kinh tế nông nghiệp ở đây thiếu bền vững là thiếu thị trường tiêu thụ, dễ dẫn đến cảnh “được mùa mất giá”; đặc biệt là cách trở giao thông khiến hệ thống logistics khó phát triển, giao thương nội vùng hay liên vùng đều khó khăn.
Tùng Nguyên – Phạm Nguyễn