1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Đề xuất quy định người chưa thành niên đăng ký cư trú cùng cha, mẹ

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an đề xuất bổ sung nhiều quy định đăng ký cư trú cho người chưa thành niên. Người chưa thành niên đăng ký cư trú cùng với cha hoặc mẹ thì không cần phải có ý kiến đồng ý của cha, mẹ.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (thay thế Nghị định số 62/2021) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

So với quy định hiện hành, dự thảo bổ sung nội dung đăng ký cư trú cho người chưa thành niên (dưới 18 tuổi). Việc này nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong đăng ký thường trú cho người chưa thành niên.

"Trường hợp người chưa thành niên đăng ký cư trú cùng với cha hoặc mẹ thì không cần phải có ý kiến đồng ý của cha, mẹ", dự thảo nêu rõ.

Đề xuất quy định người chưa thành niên đăng ký cư trú cùng cha, mẹ - 1

Theo dự thảo, người chưa thành niên đăng ký cư trú cùng với cha hoặc mẹ thì không cần phải có ý kiến đồng ý của cha, mẹ (Ảnh minh họa: Luật sư VN).

Người chưa thành niên đăng ký cư trú tại nơi không phải nơi cư trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp thì chỉ cần ý kiến đồng ý của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ (trừ trường hợp người chưa thành niên được tòa án quyết định giao cho cha hoặc mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thì phải có ý kiến đồng ý của người đó).

Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú cho người chưa thành niên. Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì phải khai báo thông tin cư trú cho người chưa thành niên.

Trường hợp đăng ký cư trú lần đầu mà đã nộp đầy đủ hồ sơ thì cơ quan đăng ký cư trú không phải kiểm tra tình trạng cư trú.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất một số quy định đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu (trừ trường hợp một trong các chủ sở hữu là người chết, mất tích, định cư ở nước ngoài hoặc mất năng lực hành vi dân sự).

Việc lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được thực hiện bằng một trong các hình thức: Ghi rõ vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú; xác nhận đồng ý thông qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến; có ý kiến bằng văn bản.

Nếu cả hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì chủ hộ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú. Chủ hộ được kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác, không phải nộp hồ sơ.

Trong trường hợp chỉ có một hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới, dự thảo chỉ yêu cầu một trong các thành viên đó thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo thủ tục của Luật Cư trú.

Bộ Công an quản lý cơ sở dữ liệu về cư trú

Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất tại cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an và phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú được chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Nơi thường trú; nơi tạm trú; tình trạng khai báo tạm vắng; nơi ở hiện tại; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình; thông tin chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; thông tin thay đổi về hộ tịch; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu cư trú.