Đề xuất nhiều chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Vân Phong, Cam Lâm.

Theo cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa đã tạo cho Khánh Hòa vị trí địa quân sự khá đặc biệt về quốc phòng và an ninh. Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Vì thế, dự thảo nghị quyết đề xuất cho phép tỉnh Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dự nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tỉnh Khánh Hòa được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện nghị quyết này.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Đề xuất nhiều chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa - 1

Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Nhiều chính sách đặc thù về đất đai

Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.

"Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa do Thủ tướng Chính phủ quy định"- dự thảo nêu.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất quy định khá chi tiết về việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm.

Cụ thể, đối với dự án ngoài ngân sách thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất quy định tại điểm a khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai và có quy mô từ 300ha trở lên thì căn cứ quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, cho phép cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai ra thông báo để tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất. Việc này được thực hiện đồng thời với việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án, cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất ra thông báo thu hồi đất. Kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất được sử dụng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Dự thảo đề xuất, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi theo quy định pháp luật đầu tư công, quyết định tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (sau đây gọi là dự án giải phóng mặt bằng) khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể.

Chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng trong phạm vi mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm thực hiện dự án tổng thể.

Trường hợp điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng phát sinh yếu tố phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể, thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể trước khi điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng.

Đề xuất nhiều chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa - 2

Vùng quy hoạch "đô thị sân bay" Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Trung Thi).

Vào khu vực Bắc Vân Phong được miễn thị thực

Dự thảo cũng đề xuất nhà đầu tư chiến lược có dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Vân Phong có thể được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế theo quy định.

Trường hợp nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng các điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân và các điều kiện khác về nhà đầu tư chiến lược thì không được hưởng các ưu đãi. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không thực hiện đúng cam kết của mình.

Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích vào khu vực Bắc Vân Phong được miễn thị thực với thời gian tạm trú tại khu vực Bắc Vân Phong không quá 60 ngày nếu hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ít nhất 90 ngày; trường hợp có nhu cầu đến các địa phương khác ngoài khu vực Bắc Vân Phong thì phải được cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh cấp thị thực theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Khánh Hòa giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý, thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Khánh Hòa.

Nếu được thông qua, nghị quyết này dự kiến sẽ được thực hiện trong 5 năm.

Cả nước đang có 8 địa phương áp dụng cơ chế đặc thù

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hiện cả nước có 8 địa phương đã áp dụng cơ chế đặc thù, gồm: TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ.