Đề xuất miễn trừ trách nhiệm cho việc thử nghiệm công nghệ mới ở Hà Nội
(Dân trí) - Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đề cập việc miễn trừ trách nhiệm đối với việc thử nghiệm mô hình, sản phẩm mới, song đại biểu Quốc hội lưu ý cần quy định rõ để tránh áp dụng tùy tiện.
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, sáng 26/3.
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là một nội dung mới được nêu trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo nêu rõ thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế, với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Lĩnh vực công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được đề xuất thử nghiệm phải có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp.
Quy định này nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức.
Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.
UBND TP Hà Nội dự kiến được cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn.
Đáng chú ý, dự thảo luật quy định, tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm được miễn trách nhiệm pháp lý khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi các nội dung có thể được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội) cũng đề nghị tiếp cận quy định này theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.
"Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát, không nên giao UBND TP quyết định", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông cho rằng các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định, nhưng thường là tài chính, ngân hàng; giáo dục; y tế.
Băn khoăn khi dự thảo luật chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào, hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung quy định này trong dự thảo luật.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh), nhận định phạm vi thử nghiệm quy định như dự thảo luật còn tương đối rộng.
Ông góp ý có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI…
Hơn nữa, theo ông An, thử nghiệm thường gắn với rủi ro, mà gắn với rủi ro cần loại trừ một số trách nhiệm nên cần rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này.
"Phần cơ chế kiểm soát đang quy định quá chặt và có lẽ sẽ khiến ít doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm", ông An nhận định.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cũng băn khoăn khi quy định về thử nghiệm có kiểm soát không rõ giới hạn.
Với quyền của HĐND TP Hà Nội, theo ông Khải, cần quy định điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể được thực hiện. Việc này để tránh áp dụng tùy tiện, hay tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.
"Cần quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn việc thử nghiệm theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù. Không nên quy định chung vì dễ dẫn đến áp dụng tràn lan, tạo sơ hở", ông Khải góp ý.